Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp: Mục tiêu lớn của Bộ KHCN
Ngày đăng: 04/12/2015 09:16
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/12/2015 09:16
Sáng 2/12, Bộ KHCN phối hợp cùng ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức khóa họp lần thứ 9 Ủy ban Hỗn hợp hợp tác Khoa học Công nghệ Việt Nam – Hoa Kỳ (JCM9). Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và 15 năm ký kết Hiệp định Khoa học & Công nghệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ |
Nhân dịp này, Khampha.vn đã có bài phỏng vấn ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ xung quanh những kết quả hợp tác đạt được giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ sau 15 năm.
Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và 15 năm ký kết Hiệp định Khoa học & Công nghệ Việt Nam – Hoa Kỳ, giữa hai nước đã đạt được những thành tựu gì trong lĩnh vực KHCN, thưa ông?
15 năm qua, các nhà khoa học của 2 nước đã có rất nhiều thành tựu nghiên cứu chung trong lĩnh vực KHCN, đặc biệt là trong y dược, nông nghiệp, khí tượng thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là những vấn đề lớn và rất quan trọng đối với hai nước, nhất là Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã học tập kinh nghiệm của Hoa Kỳ để xây dựng được những cơ sở pháp lý, những điều luật về KHCN hướng đến doanh nghiệp và thị trường. Đây là điều mà không phải lĩnh vực nào chúng ta cũng làm được.
Ông có thể đưa ra một số ví dụ cụ thể?
Trong lĩnh môi trường, các nhà khoa học của hai nước đã xây dựng thành công chiến lược bảo vệ hệ sinh thái của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và hạ nguồn sông Mê Kông.
Trong lĩnh vực Năng lượng hạt nhân, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký chính thức Hiệp định sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (hiệp định 123) vào tháng 5/2014. Hoa Kỳ là một quốc gia rất chặt chẽ trong đàm phán về quan hệ hạt nhân với các nước, nên Hiệp định 123 đã tạo tiền đề cho phía Việt Nam tiếp cận những công nghệ mới, công nghệ cao của Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp này. Đồng thời, họ cũng chấp nhận chúng ta như một quốc gia được ưu đãi nhất trong việc bảo lưu quyền làm giàu và tái chế nguyên liệu hạt nhân. Một điều mà ngay cả với những quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ cũng không được chấp nhận.
Trong lĩnh vực vũ trụ, hai bên đang nỗ lực trao đổi để tiến tới ký kết Hiệp định khung về hợp tác sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình, chủ yếu là trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, khảo sát tài nguyên thiên nhiên trong thời gian sớm nhất.
Liên quan đến quá trình đàm phán hiệp định TPP, dựa trên nền tảng những kết quả nghiên cứu chung, đặc biệt là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và sản phẩm chất lượng hàng hóa, hai nước cũng nhanh chóng tìm được tiếng nói chung để đi đến sự thống nhất
Quá trình hợp tác KHCN có thúc đẩy sự đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam hay không, thưa ông?
Cần biết rằng, các nhà khoa học đã đi trước các nhà ngoại giao một bước. Bởi khi hai nước chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao thì các nhà khoa học đã có sự giao lưu, hợp tác qua lại rồi. Việc ký kết hiệp định hợp tác cũng như một điểm nhấn để làm tăng thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai nước mà thôi. Thế nhưng, cùng với Hiệp định hợp tác về KHCN, nhiều Hiệp định hợp tác song phương khác đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI của Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, khá nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ như Intel đã đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm, Chính phủ Việt Nam cũng dành nhiều ưu đãi cho những doanh nghiệp, tập đoàn này như ưu đãi về thuế, cho thuê đất…
Hiện nay, chúng ta đang đề ra mục tiêu hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trẻ trong tương lai, vậy Bộ KHCN đã có những định hướng như thế nào về vấn đề này?
Qua sự hợp tác giữa hai nước, Bộ KHCN đã tham khảo kinh nghiệm một số hệ sinh thái khởi nghiệp của Hoa Kỳ, đặc biệt là khu Silicon Valey. Trên cơ sở đó, chúng tôi đang thí điểm một đề án cấp Bộ của Bộ KHCN về thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon.
Qua 3 năm thí điểm cho thấy, nếu chúng ta có hành lang pháp lý tốt, có đầu tư đúng mức thì chúng ta sẽ thành công. Các nhóm khởi nghiệp của Việt Nam đã có những ý tưởng rất tốt, nhưng để thương mại hóa nó thì cần một hệ sinh thái khởi nghiệp đồng bộ, trong đó có vai trò của các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm, đây là những khâu còn yếu nhất của chúng ta.
Trên cơ sở đó, chúng tôi đã có kiến nghị lên Chính phủ để sớm có những điều luật về sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm, làm cơ sở để Bộ KHCN có thể xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp một cách đồng bộ, để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể hình thành và phát triển nhanh chóng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của VN trong những năm tiếp theo.
Sau kỳ họp lần này, giữa Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ có những chương trình hợp tác nào mới, thưa ông?
Trong buổi làm việc với trưởng đoàn Hoa Kỳ và đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, tôi đã đề xuất 3 vấn đề mới trong hợp tác KHCN giữa hai nước trong giai đoạn tiếp theo.
Đầu tiên là đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho KHCN giữa hai nước. Trong đó sẽ bao gồm dữ liệu về chuyên gia, thành tựu KHCN của Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như mạng lưới viện, trường nghiên cứu khoa học có tiềm năng để dễ dàng hơn trong việc hợp tác qua lại lẫn nhau.
Thứ 2 là về hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó, chúng ta sẽ nghiên cứu mô hình của Silicon Valey và một số trung tâm lớn về khởi nghiệp của Hoa Kỳ ở các bang như Ohio, Boston… để sớm hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Đồng thời, hợp tác trao đổi kinh nghiệm với Hoa Kỳ để có thể sớm hoàn thành những đạo luật liên quan trong lĩnh vực khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm.
Thứ 3 là đề nghị Hoa Kỳ có thể tiếp tục kéo dài chương trình VEF (Quỹ giáo dục Việt Nam do Hoa Kỳ chủ trì). Thay vì đào tạo cán bộ có trình độ ĐH và sau ĐH như hiện nay, chúng tôi đề xuất sẽ chuyển sang đào tạo chuyên gia, thực tập sinh trình độ sau Tiến sĩ. Phía Việt Nam sẽ đóng góp kinh phí cùng với Hoa Kỳ trên cơ sở tận dụng bộ máy có kinh nghiệm của VEF để đào tạo những chuyên gia chất lượng cao cho cả hai nền kinh tế Hoa Kỳ - Việt Nam.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Khampha.vn