Xác định thành phần loài, sự lưu hành tác nhân gây bệnh và đề xuất quy trình giám sát một số loài chân đốt y học ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng
Ngày đăng: 29/10/2019 08:41
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 29/10/2019 08:41
Ve, mò, mạt và bọ chét thuộc nhóm động vật chân đốt, có vai trò y học quan trọng bởi hoạt động hút máu sống tự nhiên hoặc ký sinh ở các động vật gậm nhấm, chim, lưỡng cư, bò sát và các vật nuôi gần người, qua đó, làm lan truyền bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh truyền từ động vật sang người mà tác nhân gây bệnh là các vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút… Ở Việt Nam, phần lớn các nghiên cứu về nhóm chân đốt này chỉ tập trung ở các vùng rừng núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên và chủ yếu tập trung vào điều tra khu hệ, chưa chú ý nhiều hoặc chưa có điều kiện nghiên cứu xác định các tác nhân gây bệnh có trong chúng.
Khu vực Nam Bộ Lâm Đồng (NBLĐ) là khu vực có sinh địa cảnh đa dạng, trừ một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên (Lâm Đồng), các tỉnh còn lại có địa hình thấp, khác với các tỉnh miền Trung Tây Nguyên và các tỉnh rừng núi phía Bắc. Các tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ có địa hình cao trung bình từ 100-200m, có hệ động-thực vật rất đa dạng và phong phú của hệ sinh thái rừng, các Vườn quốc gia (VQG) lớn (Cát Tiên, Bù Gia Mập, Côn Đảo…). Ngược lại, các tỉnh thuộc miền TNB có địa hình bằng phẳng, nhiều kênh rạch, một số nơi thấp dưới 1 mét so với mực nước biển, vùng này có các khu bảo tồn thiên nhiên lớn (VQG U Minh, VQG Tràm Chim, khu rừng thiên nhiên Ðảo Phú Quốc và các rừng ngập mặn khác…). Các VQG và KBT thiên nhiên là những khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, nên hệ động-thực vật rất phong phú, có độ che phủ, độ ẩm cao, là điều kiện thuận lợi cho các loài chân đốt y học phát triển. Dân cư,và các điều kiện kinh tế-xã hội ở khu vực đa dạng, có các cộng đồng dân cư ở thị xã, thị trấn, thành phố, ven đường giao thông, ven sông ở đồng bằng, ven biển, có các thôn, bản ở miền núi…, các cộng đồng dân cư thường ở rất gần hoặc đan xen với các nơi nhốt giữ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, gần các khu rừng thiên nhiên, tập quán sinh hoạt, canh tác của cộng đồng khu vực có liên quan nhiều đến sự hiện diện của các loài chân đốt y học, các bệnh từ động vật theo đó rất dễ phát tán, lây lan sang người do các loài chân đốt y học. Với những đặc điểm điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái và điều kiện kinh tế-xã hội nêu trên, sự phân bố và thành phần các loài chân đốt y học có thể rất đa dạng và phong phú.
Theo báo cáo của các cơ sở điều trị, ở khu vực có nhiều trường hợp bị bệnh truyền nhiễm có các triệu chứng như các bệnh do ve, mò, mạt truyền (Sốt phát ban, sốt mò, sốt siêu vi, sốt xuất huyết,...), tuy nhiên, chưa có cơ sở nào có đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định mà chủ yếu chỉ chẩn đoán lâm sàng và điều trị để hướng tới chẩn đoán, đa số các trường hợp bệnh này đều liên quan đến các địa bàn ở các vùng sinh cảnh có các chân đốt y học lưu hành. Việc giám sát quá trình mắc bệnh, đặc biệt là giám sát các chân đốt y học có vai trò truyền bệnh như ve, mò, mạt chưa được đặt ra. Nghiên cứu về ve, mò, mạt ở khu vực thì đến nay chỉ mới thực hiện một số ít điều tra về thành phần loài và chỉ xác định bằng Hình thể. Do đó, đối với toàn khu vực, mà đại diện là các vùng sinh cảnh khác nhau thì thành phần và phân bố của các loài ve, mò, mạt, kể cả việc xác định bằng phương pháp Hình thể và công nghệ gien sẽ như thế nào? Có sự hiện diện của các tác nhân gây bệnh ở các chân đốt này hay không? Và việc giám sát các chân đốt đốt này để phòng chống các bệnh do chúng lan truyền như thế nào? Từ những vấn đề đặt ra đó, PGS.TS. Lê Thành Đồng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Tp. Hồ Chí Minh và các đồng nghiệp đã thực hiện đề tài “Xác định thành phần loài, sự lưu hành tác nhân gây bệnh và đề xuất quy trình giám sát một số loài chân đốt y học ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng”, trong đó, tập trung nghiên cứu 3 loài đã được xác định là có vai trò mang bệnh, truyền bệnh phổ biến đó là ve, mò và 2 mạt với các mục tiêu sau: 1. Xác định được thành phần, phân bố, tính đa dạng sinh học của ve, mò, mạt ở NBLĐ; 2. Xác định được phân bố một số tác nhân gây bệnh của ve, mò, mạt; 3. Xây dựng được quy trình giám sát véc tơ truyền bệnh của ve, mò, mạt tại ổ bệnh.
Sau đây là một số kết quả nổi bật mà đề tài đạt được:
Thành phần, phân bố, tính đa dạng sinh học của ve, mò, mạt tại khu vực NBLĐ năm 2015 - 2016
Về thành phần loài ve, mò, mạt
Kết quả điều tra năm 2015 - 2016 tại khu vực NBLĐ phát hiện thấy 7 họ, 16 giống, 34 loài ve, mò, mạt. Trong đó:
a) Liên họ ve (Ixodoidea):
- Thu thập được 31.492 cá thể thuộc 2 họ, 7 giống, 9 loài là: Argas sp., Amblyomma sp., Aponomma crassipes, Aponomma gervaisi, Boophylus microplus, Haemaphysalis (H.) yeni, Ixodes (Ixodes) granulatus, Rhipicephalus (Rhipicephalus) haemaphysaloides, Rh. (Rh.) sanguineus.
- Loài có số lượng cá thể lớn nhất là Rh. sanguineus (20.721 cá thể), tiếp đến là loài B. microplus 8.275 cá thể và Rh. haemaphysaloides 2.315 cá thể. Các loài còn lại có số lượng thấp từ 1- 67 cá thể.
b) Họ mò (Trombiculidae):
- Thu thập được 17.253 cá thể thuộc 5 giống, 11 loài là: Ascoschoengastia (Laurentella) indica, As. (L.) indica, Choengastia sp., Eutrombicula wichmanni, Eu. hirsti, Gahrliepia (Walchia) chinensis, G. (W.) lupella, Gahrliepia (W.) pacifica, G. (W.) parapacifica, Leptotrombidium (Leptotrombidium) deliense, L. (L.) striatum.
- Loài có số lượng cá thể lớn nhất là G. (W.) chinensis (6.049 cá thể), L. deliense (4.298 cá thể), loài As. (L.) indica có 2.986 cá thể, loài G. lupella 2.060 cá thể. Số lượng cá thể thấp nhất là loài mò Choengastia sp. chỉ có 18 cá thể.
c) Liên họ mạt (Gamasoidea):
- Thu thập được 9.009 cá thể thuộc 4 họ, 5 giống, 14 loài là: Haemolelaps zuluensis, Laelaps (Echinolaelap) aingworthae, L. (E.) echininus, L. (E.) sanguisugus, L. (E.) sedlaceki, L. (E.) traubi, Laelaps (Laelaps) nuttalli, Lealaps (L.) myonyssognathus, Laelaps (L.) prognathous, L. (L.) tainguyeni, Dermanyssus sp., Macrocheles glaber, Ornithonyssus bacoti, Or. bursa.
- Loài Laelaps (E.) echininus có số lượng cá thể lớn nhất (2.018 cá thể). Các loài khác có số lượng cá thể thấp (từ 7- 199 cá thể).
Về phân bố của ve, mò, mạt
a) Phân bố theo vật chủ:
- Các loài ve chủ yếu ký sinh trên các thú nuôi (trâu, bò, chó, mèo) và bò sát (trăn, kỳ đà).
- Ấu trùng mò chủ yếu ký sinh trên nhóm thú hoang dại (chủ yếu là chuột), chim hoang dại, chim nuôi.
- Mạt chủ yếu ký sinh trên nhóm động vật hoang dã, chủ yếu là chuột và nhóm giá thể (rác, ổ gà).
b) Phân bố theo điểm điều tra:
- Các loài ve là B. microplus ,Rh. (R.) sanguineus, Rh. (R.) haemaphysaloides phân bố rộng (13/15 điểm); các loài còn lại phân bố hẹp (1 - 5/15 điểm).
- 4 loài mò là L. (L.) deliense, G. (W.) chinensis, G. (W.) lupella và As. (L.) indica] phân bố rộng (11 - 15/15 điểm); các loài còn lại thấy ở từ 1 - 7/15 điểm.
- 5 loài mạt là L. (E.) echininus, L. (E.) sanguisugus, L. (E.) sedlaceki, Or. bursa, Or. bacoti và L. (L.) nuttalli phân bố rộng (từ 11-15/15 điểm), các loài còn lại chỉ phân bố hẹp (từ 1-9 điểm điều tra).
c) Tính đa dạng sinh học của ve, mò, mạt
- Tỷ lệ % đa dạng loài ve, mò, mạt ở khu vực so với tổng số loài đã phát hiện ở Việt Nam là 13,5% (Liên họ mạt 19,7%; Liên họ ve 11,1%; Họ mò 11,1%).
- Tương quan thành phần loài ve, mò, mạt theo sinh cảnh và vùng địa lý ở mức tương quan khác vừa (R = 0,35 - 0,69).
- Tương đồng về gien học của các loài ve, mò, mạt của khu vực so với thế giới từ 96 - 99% (ở ve loài B. microplus 99%, Rh. (Rh.) sanguineus 99%, Ixodes (I.) granulatus 99%, Argas sp. 99%. ở mò loài Leptotrombidium (L.) deliense 96%. Ở mạt loài Ornithonissus bacoti 99%, Macrocheles glaber 98%).
Phân bố tác nhân gây bệnh ở ve, mò, mạt tại khu vực
* Phân tích 1.846 mẫu ve với 9.182 cá thể thuộc 9 loài, không phát hiện ADN của vi khuẩn O. tsutsugamushi, Coxiella burnetii, Rickettsia prowazekii, Rickettsia mooseri và ARN của vi rút họ Bunyaviridae (Orthobunyavirus, Nairovirus, Phlebovirus).
* Phân tích 830 mẫu mò với 13.763 cá thể thuộc 11 loài, không phát hiện ADN của vi khuẩn Coxiella burnetii, Rickettsia prowazekii, Rickettsia mooseri và ARN của vi rút họ Bunyaviridae (Orthobunyavirus, Nairovirus, Phlebovirus).
Có 13/830 mẫu mò (chiếm tỷ lệ 1,57%) dương tính với AND của vi khuẩn O. tsutsugamushi trong đó: VQG Bù Gia Mập là loài Leptotrombidium (L.) deliense/R. norvegieus; L. (L.) deliense/R. edwardsi; Ascoschoengastia (L.) indica/ R. norvegieus; VQG Cát Tiên là L. (L.) deliense/R. rattus, As. (L.) indica/R. norvegieus (2 mẫu); Chân đỉnh Langbiang là L. (L.) deliense/R. edwardsi; TP. Thủ Dầu Một là Gahrliepia (W.) parapacifica/R. molliculus; H. Tịnh Biên là L. (L.) deliense/R. norvegicus; G. (W.) parapacifica/R. molliculus; H. Thạnh Phú là As. 123 (L.) indica/R. norvegieus; VQG U Minh Hạ là L. (L.) deliense/R. argentiventer; As. (L.) indica/ R. norvegieus.
* Phân tích 825 mẫu mạt với 7.252 cá thể thuộc 14 loài, không có mẫu nào dương tính với ADN của vi khuẩn O. tsutsugamushi, Coxiella burnetii, Rickettsia prowazekii, Rickettsia mooseri và ARN của vi rút họ Bunyaviridae (Orthobunyavirus, Nairovirus, Phlebovirus).
Xây dựng quy trình giám sát ve, mò, mạt tại ổ bệnh
- Đã thu thập thông tin, tài liệu, kết hợp với tổng hợp các bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện đề tài tại các địa phương, đã tổ chức biên soạn và tổ chức các cuộc họp xin ý kiến các chuyên gia liên quan, tổ chức các buổi họp Hội đồng Khoa học kỹ thuật của Viện để góp ý và hoàn thiện quy trình giám sát ve, mò, mạt.
- Quyển quy trình gồm 3 phần: Một số thông tin chung về ve/mò/mạt và bệnh do ve/mò/mạt truyền; Quy trình giám sát ve/mò/mạt; Các biểu mẫu điều tra và khoa định loại ve/mò/mạt.
- Nội dung được biên soạn thành các mục, các bước, kèm theo là sơ đồ và hình ảnh minh họa.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15110/2018) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
Theo Vista.gov.vn