VN cập nhật báo cáo cho Công ước khung về biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 27/01/2015 09:15
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/01/2015 09:15
Ngày 23/1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu Báo cáo cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (BUR1).
Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Tuệ cho biết, trong quá trình tham gia Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 13 tại Bali, Indonesia vào năm 2007 đến Hội nghị lần thứ 19 tại Ba Lan vào năm 2013, các nước đang phát triển được khuyến khích xây dựng và thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển Carbon thấp và tự nguyện thông báo cho Ban thư ký Công ước khí hậu các đề xuất về các Hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (gọi tắt là NAMA). Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phát triển các NAMA tại Việt Nam.
Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (BUR1) có 4 chương, gồm: Bối cảnh quốc gia; Kiểm kê quốc gia khí nhà kính; Các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Nhu cầu tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực và trợ giúp nhận được cho các hoạt động biến đổi khí hậu.
Theo BUR1, tổng lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam là 246,8 triệu tấn CO2 tương đương bao gồm lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) và 266 triệu tấn CO2 tương đương không bao gồm LULUCF. Phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất là 53,03% tổng lượng phát thải không tính LULUCF, tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp chiếm 33,20%. Phát thải từ các lĩnh vực công nghiệp hóa và chất thải tương ứng là 7,97% và 5,78%.
BUR1 còn có các phương án giảm nhẹ khí nhà kính trong từng lĩnh vực như: Năng lượng; nông nghiệp; LULUCF. Cùng với đó là những nhu cầu tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực và trợ giúp nhận được cho các hoạt động biến đổi khí hậu.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng công bố Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với Biến đổi khí hậu.
Theo ước tính, trung bình mỗi năm Việt Nam phải chịu từ 6 đến 7 cơn bão. Từ năm 1990 đến 2010 đã xảy ra 74 trận lũ trên các hệ thống sông. Hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, và nhiều thiên tai khác cũng đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của các vùng miền trên cả nước.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, các thiên tai mang tính cực đoan đã xảy ra nhiều hơn, gây thiệt hại nhiều hơn về người và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế đất nước.
Thông tin về cực đoan khí hậu trong tương lai, đại diện Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, theo kịch bản nồng độ khí nhà kính cao, số ngày nắng nóng dự tính đến giữa thế kỷ 21 tăng phổ biến từ 20-30 ngày; đến cuối thế kỷ, số đợt nóng (3 ngày liên tiếp) dự tính sẽ gia tăng ở hầu hết các khu vực trên cả nước, đặc biệt là khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên với mức tăng có thể lên tới 6-10 đợt.
Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan cũng nhận định, tình hình hạn hán có khả năng xuất hiện nhiều và kéo dài hơn trong thế kỷ 21 ở hầu hết các vùng khí hậu trên cả nước.
Cùng với sự gia tăng của nhiệt độ và các hiện tượng cực đoan, số lượng bão hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có thể giảm về tần suất nhưng tăng về cường độ và số lượng bão mạnh. Số ngày rét đậm, rét hại cũng có xu thế giảm, tuy nhiên số lượng các đợt rét lại biến đổi phức tạp và biến động mạnh từ năm này qua năm khác.
Theo Chinhphu.vn