Việt Nam lần đầu tiên ghép phổi thành công: Hiệu quả từ đầu tư cho KH&CN
Ngày đăng: 24/09/2018 10:20
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 24/09/2018 10:20
18 tháng sau khi được các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 – Học viện Quân y ghép phổi từ người bố và bác ruột, cháu bé Ly Chương Bình (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) đã phát triển ổn định, sinh hoạt, học tập bình thường.
Toàn cảnh buổi họp hội đồng khoa học công nghệ nghiệm thu cấp cơ sở đề tài |
Thông tin được đưa ra tại buổi họp nghiệm thu cấp cơ sở kết quả đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp Quốc gia “Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho chết não hoặc người cho sống”, mã số KC.10.10/16-20 do Học viện Quân y tổ chức mới đây.
Ca ghép phổi thành công đầu tiên của Việt Nam
Báo cáo tại buổi họp nghiệm thu, PGS.TS Tạ Bá Thắng – Thư ký đề tài cho biết, ghép phổi là phương pháp điều trị tối ưu cho các bệnh nhân bệnh phổi giai đoạn cuối. Trên thế giới, ghép phổi đã thực hiện thành công từ năm 1963.
Tại Việt Nam, số bệnh nhân mắc các bệnh lý phổi mạn tính nặng chiếm tỷ lệ khá cao, và đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Đối với những bệnh nhân bệnh phổi giai đoạn cuối, ghép phổi là sự lựa chọn, tạo cơ hội trở lại với cuộc sống. Việt Nam cũng đã có nhiều thành công về ghép tạng như ghép thận, gan, tim và khối tụy - thận, nhưng chưa thực hiện ghép phổi thành công cho đến năm 2017. Ghép phổi từ người cho sống có nhiều ưu điểm hơn so với ghép phổi từ người cho chết não, như chủ động về thời gian, đặc biệt kết quả sau ghép thường tốt hơn,...
Tháng 2/2017 đánh dấu một dấu mốc quan trọng cho nền y học Việt Nam. Theo đó, ngày 21/2, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 - HVQY đã phối hợp với chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi cho cháu Ly Chương Bình, 7 tuổi, quê ở xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Người cho phổi là bố và bác ruột của cháu Ly Chương Bình. Bệnh nhân bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi, đã biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ III, có chỉ định tuyệt đối để ghép phổi.
Các bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ 2 lá phổi, sau đó lấy 1 thùy phổi từ bố và 1 thùy từ bác ruột để ghép. Ngay sau mổ, 2 người cho được rút ống nội khí quản và phổi đã giãn nở ra hoàn toàn, không có biến chứng nào đối với cả người cho và nhận phổi. Cháu bé không có biến chứng nào về lâm sàng cũng như nhiễm trùng. Đến nay, sau 18 tháng được ghép phổi, cháu Ly Chương Bình đã tái sinh mạnh mẽ nhờ lá phổi được ghép từ 1 thùy của bác ruột và 1 thùy của bố đẻ. Hiện sức khỏe của cháu khá tốt, cháu tăng cân, phát triển thể lực, sinh hoạt, học tập bình thường.
Đó là kết quả của đề tài "Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não" thuộc Chương trình KC.10/16-20 do Bộ KH&CN giao Học viện Quân y chủ trì thực hiện. Đề tài do Thiếu tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện làm chủ nhiệm và được triển khai trong 3 năm (2016-2019) ngân sách nhà nước hỗ trợ là 13,1 tỷ đồng. Một số tổ chức phối hợp thực hiện gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đề tài hướng đến mục tiêu xây dựng được chỉ định ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não; xây dựng quy trình ghép thùy phổi từ người cho sống hoặc ghép một phổi từ người cho chết não.
Đầu tư đúng hướng
Theo các chuyên gia, ghép phổi là một trong những cuộc ghép rất khó, do phổi không giống các tạng khác, là cơ quan hô hấp đảm bảo oxy cho cơ thể. Nó đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn đánh giá tình trạng phổi của người cho, của người nhận. Nó liên quan đến tim mạch, nhiễm khuẩn, và nhiều vấn đề khác. Một trong những điểm rất khó đó là chăm sóc phổi được ghép thành phổi khỏe, đủ chức năng. Bởi khi được cắt ra, phổi đã bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao. Do đó, việc thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho sống đã thể hiện sự cố gắng phi thường của đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia của HVQY và Nhật Bản. Nó cũng thể hiện trình độ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của đơn vị thực hiện.
Tại buổi họp hội đồng nghiệm thu đề tài, Đại tá, PGS.TS. Trần Trọng Kiểm – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng, có thể nói HVQY là nơi khơi nguồn của ghép tạng, từ ca ghép thận đầu tiên là đến ghép gan, tim và khối tụy – thận, và bây giờ là ghép phổi. Kết quả của đề tài là sự minh chứng cho việc lựa chọn đúng, sẽ có kết quả tốt, từ việc lựa chọn cháu bé giãn phế quản 2 thùy, đến việc chọn 2 người cho phù hợp và nhiều điều kiện khác. “Đây là công lao, trí tuệ và sự tập trung của cả tập thể lớn. Quy trình và quá trình thực hiện đề tài rất công phu, tốn rất nhiều công sức. Thông qua việc thực hiện đề tài, HVQY đã tiến hành thành công ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam, điều đó khẳng định chúng ta có thể ghép được 5 tạng gồm thận, gan, tim, ghép khối tụy – thận và bây giờ là ghép phổi”, PGS.TS. Trần Trọng Kiểm chia sẻ.
Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Hoàng Linh – Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch Việt Nam cho rằng, ghép phổi khác với ghép những tạng khác là rất hay bị nhiễm trùng, và hay thải ghép. Vì thế, số lượng ca ghép phổi ít hơn việc ghép các tạng khác rất nhiều. Vậy mà HVQY đã triển khai thành công ngay từ lần đầu là điều rất tuyệt vời. “Theo hợp đồng đặt hàng của Bộ KH&CN, đề tài kết thúc sớm hơn 1 năm, tiết kiệm được rất nhiều về công sức, tiền bạc cho cán bộ nghiên cứu cũng như bệnh nhân”, PGS.TS Ngô Văn Hoàng Linh nhấn mạnh.
Tại buổi họp, các thành viên trong Hội đồng khoa học công nghệ đã đánh giá cao kết quả của đề tài và cho rằng, quá trình thực hiện đề tài rất công phu, huy động được trí tuệ tập thể. Hội đồng khoa học cấp cơ sở đã đánh giá xếp loại xuất sắc và các thành viên trong Hội đồng cũng đã đóng góp nhiều ý kiến để nhóm nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trước khi nghiệm thu cấp Nhà nước.
Thiếu tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc HVQY, Chủ nhiệm đề tài cho rằng, “đây là thành công của chuyên ngành chúng ta, của giới y học chứ không phải thành công của riêng HVQY, bởi chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của nhiều cơ sở. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện theo các góp ý của Hội đồng”.
Được biết, y học thế giới có thể ghép 6 tạng: thận, gan, tim, tụy, phổi và ruột. Đến nay, Việt Nam đã ghép thành công 5 tạng gồm thận, gan, tim, ghép khối tụy - thận và ghép phổi. Điều đặc biệt, tất cả thành công ghép tạng đầu tiên đều là sản phẩm của các đề tài trọng điểm cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý. Điều đó là minh chứng khẳng định việc đầu tư có hiệu quả cho KH&CN của Nhà nước, nhờ đó đã tạo ra những kết quả có giá trị kinh tế - xã hội lớn, mang lại hy vọng mới cho người bệnh và tiết kiệm chi phí thay vì sang nước ngoài ghép tạng và giúp các thầy thuốc có cơ hội khẳng định mình, động viên, khuyến khích họ cống hiến sức minh cho sự nghiệp.
Theo Truyenthongkhoahoc