Viện Công nghệ xạ hiếm làm việc với Công ty Posco International Việt Nam
Ngày đăng: 04/08/2023 16:19
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/08/2023 16:19
Ngày 02/8/2023, Viện Công nghệ xạ hiếm (ITRRE) và Công ty TNHH POSCO INTERNATIONAL VIỆT NAM thuộc Tập đoàn POSCO – Hàn Quốc (SGI) đã có buổi làm việc chung để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực chế biến đất hiếm.
Thảo luận tại phòng Hội thảo, Viện CNXH |
Về phía ITRRE có đại diện là TS. Phạm Quang Minh - Viện trưởng, TS. Nguyễn Trọng Hùng - Phó Viện trưởng, TS. Lưu Xuân Đĩnh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ đất hiếm cùng một số chuyên gia. Về phía PSCO INTERNATIONAL có ông Uk Huh - quản lí cấp cao Bộ phận phát triển đầu tư, ông Han Jee Hun - Giám đốc điều hành cùng Trưởng bộ phận chuyên môn của Tập đoàn.
Nam châm đất hiếm chứa neodim (Nd), samari (Sm), dysprozi (Dy) và tecbi (Tb) là vật liệu chiến lược quan trọng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực từ thiết bị gia dụng, điện thoại di động, ổ cứng máy tính, động cơ xe điện, tuốc bin gió, đến thiết bị quân sự, … Posco International là một công ty con của Tập đoàn POSCO toàn cầu. POSCO chuyên về các sản phẩm công nghiệp nặng như thép, nam châm đất hiếm, khai thác quặng … tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Được biết ITRRE là Viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đất hiếm; do vậy mục đích chuyến thăm Viện của Posco International là tìm đối tác hợp tác để phát triển ngành công nghiệp đất hiếm Việt Nam, tìm kiếm cơ hội đầu tư khai thác và chế biến mỏ quặng đất hiếm để chủ động cung cấp các nguyên tố đất hiếm nhóm nhẹ Nd và Sm, và các nguyên tố nhóm nặng Dy và Tb từ nguồn khoáng đất hiếm Việt Nam ở quy mô lớn để phục vụ cho việc sản xuất nam châm đất hiếm của Tập đoàn POSCO.
Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Trọng Hùng đã giới thiệu với đại diện công ty về tài nguyên đất hiếm Việt Nam, các công nghệ chế biến sâu đất hiếm và các thành tựu nghiên cứu KH&CN của ITRRE trong lĩnh vực đất hiếm. Các thành tựu đạt được thông qua quá trình thực hiện các nhiệm vụ KH&CN về chế biến sâu mỏ đất hiếm Đông Pao (Nghị định thư giữa Việt Nam và Hàn Quốc 2000-2010, Nghị định thư giữa Việt Nam và Nhật Bản 2010-2016), mỏ đất hiếm Yên Phú (Đề tài KH&CN cấp Nhà Nước năm 2013-2016), các đề tài KH&CN cấp Bộ 2019-2021 về nghiên cứu điều chế kim loại Dy và Tb, 2020-2022 về nghiên cứu phân chia-tinh chế tổng đất hiếm Bến Đền và các hợp tác KH&CN với các công ty Việt Nam (Công ty cổ phần tập đoàn Thái Dương, Công ty cổ phần đất hiếm Việt Nam, …); qua đó ITRRE đã làm chủ các công nghệ chế biến sâu đất hiếm, từ công nghệ tuyển quặng thu nhận tinh quặng đất hiếm đến công nghệ thủy luyện thu nhận tổng đất hiếm và tiếp đến là công nghệ phân chia-tinh chế, luyện kim thu nhận các sản phẩm cuối cùng là các oxit và kim loại đất hiếm riêng rẽ độ sạch cao, có giá trị gia tăng cao. Phía POSCO International cũng giới thiệu về lĩnh vực hoạt động và nhu cầu cụ thể của Tập đoàn.
Việt Nam có nguồn tài nguyên đất hiếm rất phong phú, ITRRE là cơ quan Chính phủ nghiên cứu chuyên sâu về nguyên tố hiếm cũng như xử lí, quản lí các chất thải phóng xạ sinh ra từ quá trình chế biến quặng đất hiếm. Tập đoàn POSCO có công nghệ tiên tiến trong việc khai thác các mỏ quặng đất hiếm và tự động hóa các khâu trong quá trình chế biến và tinh chế đất hiếm. Do vậy, hai bên nhận thấy rằng hợp tác về công nghệ đất hiếm rất cần thiết để phát triển ngành công nghiệp đất hiếm Việt Nam đồng thời chủ động cung cấp nguồn nguyên liệu đất hiếm cho các hoạt động của Tập đoàn và mang lại lợi ích cho cả hai bên. POSCO ghi nhận những lĩnh vực thế mạnh của ITRRE và sẽ xem xét cơ hội hợp tác cùng Viện khi có nhu cầu./.
Most.gov.vn