Ứng dụng kỹ thuật cao trong cứu chữa người bệnh
Ngày đăng: 04/04/2016 14:40
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/04/2016 14:40
Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng” (KC.10/11-15) đã “cán đích” sau năm năm, với hàng loạt kết quả có ý nghĩa trong thực tiễn. KC.10/11-15 được đánh giá là chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước thành công nhất.
|
Kỹ thuật ghép tạng là một trong mười thành tựu lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 20 và chỉ thực hiện được ở những nước có nền y học tiên tiến. Ghép tạng là lựa chọn cuối cùng đối với những người bệnh bị suy gan, tim, thận giai đoạn cuối. Có những người tưởng chừng cận kề cái chết nhưng nhờ ghép tạng cho nên được “hồi sinh”, trở về với cuộc sống bình thường. Các bác sĩ, nhà khoa học Việt Nam đã sớm tiếp cận được với kỹ thuật ghép tạng thế giới. Tuy nhiên, ở thời điểm năm 2010, kỹ thuật của chúng ta lạc hậu so với thế giới khoảng từ 20 đến 50 năm vì chưa ghép được phổi, tụy, chưa lấy được tạng từ người cho chết não, tim ngừng đập và chưa ghép đa tạng. Nhờ chương trình KC.10 giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã theo kịp thế giới về lĩnh vực này. PGS, TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, kỹ thuật ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức nói riêng và các cơ sở y tế khác trên cả nước nói chung đã mang lại sự “hồi sinh” cho những người bệnh đang kiệt quệ vì bệnh tật. Có người bệnh suy thận giai đoạn cuối đã chấm dứt được việc chạy thận, phụ thuộc máy móc nhờ được ghép thận từ người cho chết não. PGS, TS Quyết cũng cho rằng, để có được thành tựu này, nhiều chuyên khoa khác cũng phải có sự phát triển phù hợp. Để thực hiện thành công các ca ghép tạng kỹ thuật cao đòi hỏi nội khoa, sinh hóa, xét nghiệm, dược phải tốt mới hỗ trợ được cho phẫu thuật viên. Nói như vậy để thấy một bức tranh rộng hơn của trình độ y học Việt Nam, bởi một thành tựu này là kết quả của nhiều thành tựu khác đứng sau. Hoặc cũng có thể nói để đạt được một thành tựu trong y học, nhiều lĩnh vực khác trong y học cũng được kéo theo cùng phát triển.
GS, TS Phạm Gia Khánh, chủ nhiệm chương trình KC.10/11-15 cho biết, các nhà khoa học Việt Nam đã giải quyết vấn đề lấy tạng từ người cho chết não và tim: “Điều này góp phần giải quyết khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn cho tạng. Nguồn hiến tạng từ nay không chỉ từ người cho sống, người cho chết não nhưng tim còn đập mà cả từ người cho chết não, tim đã ngừng đập và việc lấy tạng từ đối tượng này chắc chắn dễ dàng hơn lấy từ người cho chết não nhưng tim còn đập”.
KC.10/11-15 có tổng số 55 nhiệm vụ nghiên cứu, tập trung vào hai lĩnh vực y và dược. Nhiều công trình nghiên cứu y dược trong Chương trình KC.10 được các chuyên gia thực hiện trong năm năm qua đã giúp việc trị bệnh cứu người của các thầy thuốc Việt Nam trở nên hiệu quả hơn. Thí dụ như các kỹ thuật sinh học phân tử xác định gien giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác trong điều trị ung thư; chẩn đoán trước những bệnh di truyền cho phôi thai trong thụ tinh ống nghiệm: ứng dụng y học hạt nhân trong chẩn đoán, điều trị bệnh... Nhiều công trình y dược trong KC.10/11-15 có tính ứng dụng cao như các kỹ thuật can thiệp mạch góp phần cứu sống nhiều ca bệnh phổ biến trong đời sống như tai biến mạch máu não, chấn thương ổ bụng...; kỹ thuật vi phẫu tạo xương hàm từ xương; ứng dụng tế bào gốc trong điều trị vết thương, vết bỏng, điều trị ung thư… Thành công của kỹ thuật mổ nội soi điều trị bệnh tuyến giáp qua đường ngực và nách (thay vì mổ ở cổ, gây sẹo xấu) đã đưa Việt Nam trở thành nước có trình độ phẫu thuật hàng đầu khu vực. Kỹ thuật này không những đã được chuyển giao xuống các bệnh viện tuyến cơ sở mà còn được rất nhiều chuyên gia nước ngoài đến học hỏi. PGS, TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp” cho biết, từ khi đề tài được nghiệm thu vào năm 2014 đến nay, đã có gần 300 giáo sư, bác sĩ nổi tiếng về nội tiết ở Xin-ga-po, Bồ Đào Nha… sang học hỏi kỹ thuật này. Các bác sĩ được mời đi mổ trình diễn tại hội nghị phẫu thuật nội soi toàn quốc của Ấn Độ.
Về dược học, chúng ta cũng đã phát triển kỹ thuật công nghệ na-nô trong sản xuất thuốc điều trị bệnh ung thư, bào chế tỏi đen từ tỏi tươi... Đặc biệt, vắc-xin Rô-ta với nhu cầu cung ứng hằng năm lên tới ba triệu liều, cùng việc đáp ứng tại chỗ, giá thành rẻ, vắc-xin Rô-ta sản xuất tại Việt Nam không chỉ ngăn ngừa được hàng triệu ca tiêu chảy ở trẻ em mà còn tiết kiệm cho Nhà nước, cho người dân hàng tỷ đồng. Các công trình nghiên cứu sản phẩm sinh học y tế khác như bộ kít chẩn đoán lao, kít chẩn đoán bệnh nấm nội tạng, công nghệ sinh khối sâm Ngọc Linh gần như đã ứng dụng ngay vào thực tế, đem lại hiệu quả cao trong điều trị, cứu sống người bệnh.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đánh giá, Chương trình KC.10/11-15 là chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước thành công nhất. Một số lĩnh vực y - dược của Việt Nam đã đạt trình độ thế giới. “Hằng năm, người dân Việt Nam đang chi một số tiền lớn cho việc khám, chữa bệnh ở nước ngoài. Vì vậy, nếu khoa học và công nghệ y - dược phát triển, lực lượng bác sĩ, giáo sư đầu ngành có trình độ đẳng cấp khu vực và thế giới, được đầu tư đúng mức thì có thể ngăn một lượng lớn ngoại tệ dùng để chữa bệnh “chảy” ra nước ngoài”. Trong giai đoạn 2016-2020, chương trình KC.10 sẽ tiếp tục được đầu tư nhưng sẽ cơ cấu lại. Bộ KH và CN đang phối hợp các chuyên gia đầu ngành và Bộ Y tế xác định khung nghiên cứu 2016-2020. Kinh phí cũng như quy mô của các nhiệm vụ dự kiến sẽ lớn hơn, vì trên thực tế, sự phát triển của y - dược và nhu cầu ngày càng lớn.
Theo Nhandan.com.vn