TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học: Kinh phí đầu tư 2,4 tỷ đồng, sau 2 năm đạt giá trị 12,3 tỷ đồng
Ngày đăng: 16/06/2015 09:08
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 16/06/2015 09:08
Sản phẩm “Máy ép trục khuỷu sản xuất viên nhiên liệu” do Công ty TNHH thiết bị công nghiệp M.T.C sản xuất, bán với giá từ 0,75 - 0,8 tỷ đồng/máy, rẻ hơn so với các máy cùng loại có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ (có giá khoảng 1 - 1,2 tỷ đồng/máy). Giá trị mang lại khoảng 12,3 tỷ đồng (trong vòng 2 năm), kinh phí đầu tư nghiên cứu ban đầu chỉ là 2,4 tỷ đồng (ngân sách 0,58 tỷ đồng, doanh nghiệp 1,85 tỷ đồng). Đây là thông tin được nhiều doanh nghiệp chú ý tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ” vừa được Sở khoa học và công nghệ TP.HCM tổ chức.
Sản phẩm của Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp - Đại học nông lâm TP.HCM |
Mang lại hiệu quả đáng kể
Trong giai đoạn 2011 - 2014, Sở khoa học và công nghệ TP.HCM đã triển khai 8 chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) hỗ trợ doanh nghiệp. Chương trình thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước thay thế nhập khẩu (chương trình 04) và chương trình chế tạo robot công nghiệp đã mang lại một số hiệu quả đáng kể, điển hình như sản phẩm “Máy ép trục khuỷu sản xuất viên nhiên liệu” của Công ty TNHH thiết bị công nghiệp M.T.C như đã nói ở trên, ngoài ra còn có thể kể đến sản phẩm "Băng tải linh động chuyển hàng dạng bao lên xe tải" và "Băng tải linh động chuyển hàng dạng bao lên ghe - tàu”, sản phẩm được nghiên cứu có giá khoảng 2 tỷ đồng, rẻ hơn nhập khẩu 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong thời gian sử dụng sản phẩm 2 năm đã mang lại hiệu quả kinh tế là 9,232 tỷ đồng so với việc sử dụng công nhân để bốc xếp (sau khi trừ chi phí đầu tư thiết bị 2 tỷ đồng)...
Một số kết quả hỗ trợ doanh nghiệp từ những mô hình nghiên cứu triển khai, như trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, tự động hóa, năng lượng cũng đáng chú ý như: máy chiết rót mật ong cho Công ty TNHH cơ khí MS; nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy phát điện bằng năng lượng gió công suất 1.000 W cho Công ty TNHH máy móc thiết bị Tầm Nhìn Mới; nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống tự động cấp nắp chai trong dây chuyền chiết rót nước yến 3.000 chai/giờ cho Công ty TNHH SX TM DV Việt Phong; hệ thống tự động điều khiển tấm pin mặt trời luôn quay theo hướng mặt trời để nhận ánh sáng cực đại cho Công ty công nghệ tự động,...
Sở KH&CN TP.HCM cũng đã hỗ trợ Trường đại học nông lâm, Trường đại học bách khoa, Khu nông nghiệp công nghệ cao hình thành 3 trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, với đầy đủ các hệ thống hỗ trợ. Mỗi trung tâm đều có trung bình 10 doanh nghiệp đang được ươm tạo (hình thành pháp nhân, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ, nghiên cứu thị trường...); đến nay đã và đang ươm tạo 54 doanh nghiệp theo định hướng trở thành doanh nghiệp KH&CN; mỗi trung tâm xét tuyển 2 - 3 doanh nghiệp mới hàng năm. Các doanh nghiệp đều tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của thành phố như: công nghệ thông tin, cơ khí nông nghiệp, cơ điện tử, năng lượng, nhiên liệu sinh học, chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao... Đến nay, đã có 9 doanh nghiệp “tốt nghiệp” và đủ điều kiện “tốt nghiệp”.
Việc phải công khai bí mật công nghệ khiến doanh nghiệp phải “suy nghĩ”
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Lâm, Hội tự động hóa TP.HCM nêu vấn đề: “Chúng ta có thể ngạc nhiên và tự hỏi vì sao với các chương trình hỗ trợ được triển khai đầy đủ như vậy, với các điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp mà kết quả thu được chưa nhiều?”. Trong nhiều nguyên nhân, có vấn đề đảm bảo bí mật công nghệ và bản quyền, với doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ, việc phải công khai các quy trình công nghệ, bản vẽ kỹ thuật, code chương trình điều khiển... là việc họ phải suy nghĩ. Doanh nghiệp chỉ mong được nghiệm thu và không khai sản phẩm cuối. Bên cạnh đó, còn có nhiều lý do: thông tin chi tiết chưa đến được hết các doanh nghiệp. Thủ tục vẫn còn phức tạp, mang nhiều “màu sắc” quản lý các đề tài, dự án cho trường, viện. Vì vậy, có những hạng mục gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất. PGS.TS. Nguyễn Ngọc Lâm nêu ví dụ, thực hiện theo Thông tư 93, nội dung nghiên cứu và báo cáo nghiệm thu theo các chuyên đề với kinh phí giới hạn ở mức 1 (dưới 30 triệu đồng) và mức 2 (dưới 15 triệu đồng)... trong khi doanh nghiệp chỉ quan tâm đến sản phẩm cuối và mong muốn tinh giản, hoặc khoán chung cho phần hỗ trợ hoàn thiện công nghệ và nghiệm thu trên sản phẩm cuối.
TS. Đinh Minh Hiệp, trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho rằng, bên cạnh những mặt mạnh, hiệu quả của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KH&CN, công tác này cũng còn vướng mắc, khó khăn, như các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa thiếu, vừa yếu, không đồng bộ. Thủ tục hỗ trợ còn phức tạp, nhất là về tài chính, chính sách chưa chú trọng đến đào tạo nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp. Các thể chế hỗ trợ cung cấp dịch vụ còn yếu, thông tin chính sách đến với doanh nghiệp còn chậm và chưa cụ thể. Việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quản lý, kinh doanh trong thời gian qua có nhiều hạn chế, chủ yếu tập trung vào khâu đầu tư trang thiết bị sản xuất sản phẩm, tuy nhiên trang thiết bị, công nghệ áp dụng ở các công ty vẫn chưa được vận hành, sử dụng đạt hiệu quả như mong muốn. Công tác thương mại hóa công nghệ bỏ ngỏ và giám sát hiệu quả triển khai công nghệ chưa được quan tâm đúng mức.
Theo Khoahocphothong