Tìm hướng phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Ngày đăng: 05/09/2017 09:03
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/09/2017 09:03
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) là cầu nối đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian gần đây, ngày càng ít đơn vị đăng ký chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN, mặc dù Nhà nước có nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ nhưng thủ tục đăng ký còn rườm rà.
Khách tham quan nghe giới thiệu về một số mặt hàng tại Chợ công nghệ và thiết bị Hà Nội 2016. |
Ngày 11/4/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 418/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, đề ra mục tiêu đến năm 2015 có ba nghìn doanh nghiệp và đến năm 2020 có năm nghìn doanh nghiệp KH&CN. Theo Báo cáo của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho thấy, tính đến tháng 6/2016 cả nước có 234 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN, nhiều hồ sơ đăng ký chứng nhận đang trong quá trình thẩm định. Với con số khiêm tốn như vậy, việc thực hiện được mục tiêu chiến lược đề ra đến năm 2015 có ba nghìn doanh nghiệp KH&CN không hoàn thành và khó thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 có năm nghìn doanh nghiệp này.
Ngày 19/5/2007, Chính phủ có Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN, quy định loại hình tổ chức của doanh nghiệp, các cơ chế ưu đãi, vai trò trong nền kinh tế và nền KH&CN của quốc gia. Qua đó các doanh nghiệp KH&CN được hưởng rất nhiều ưu đãi, nhất là các chính sách về thuế, đất đai và những chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước. Ưu đãi nhiều, nhưng thực tế thì doanh nghiệp vẫn không mặn mà trong việc chuyển đổi, đăng ký. Nguyên nhân được cho là do doanh nghiệp còn gặp khó khăn từ hệ thống hành chính với các thủ tục rườm rà. Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng KH&CN, có rất nhiều đơn vị đủ điều kiện, xứng đáng được chứng nhận, nhưng ngay cả việc để được công nhận cũng có nhiều thủ tục gây rắc rối về mặt hành chính. Bộ KH&CN ủy quyền cho các Sở KH&CN thẩm định hồ sơ, cấp giấy chứng nhận. Nhưng năng lực của các Sở nhiều khi không đáp ứng được, đội ngũ quản lý mỏng, chưa có trình độ cao để có thể hiểu được công nghệ mà doanh nghiệp đang sử dụng có thực sự mới không, có đúng là công nghệ cao và đạt tiêu chuẩn không? Chính sách ưu đãi về thuế, đất đai đã có, nhưng doanh nghiệp KH&CN rất khó để nhận được ưu đãi. Một số cơ sở mặc dù được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN, được hưởng ưu đãi về thuế, nhưng chấp nhận tự đóng thuế cho nhanh bởi khi xin ưu đãi thuế còn vất vả, tốn thời gian, công sức hơn. Bên cạnh đó còn nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, vật liệu mới, môi trường... đáp ứng được đầy đủ tiêu chí nhưng lại không muốn đăng ký chuyển đổi. Nguyên do là các doanh nghiệp đã được hưởng ưu đãi trong lĩnh vực của mình, trong khi quy định của pháp luật không cho hưởng ưu đãi trùng nhau... Chính vì vậy số lượng đơn vị đăng ký để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN không nhiều, nhưng có thể khẳng định các doanh nghiệp đủ điều kiện công nhận có số lượng rất lớn. Bộ KH&CN cũng có rà soát và thống kê sơ bộ, tới năm 2010 có khoảng hai nghìn doanh nghiệp có tiêu chí đáp ứng được nhưng trong số đó chỉ có vài trăm doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận. Số còn lại vẫn hoạt động mà không cần giấy chứng nhận. Bởi vậy, hiện nay cần có sự nhất quán, đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi, có như vậy mục tiêu hình thành năm nghìn doanh nghiệp vào năm 2020 mới có khả năng thực hiện.
Đánh giá từ nhiều chuyên gia cho thấy, một số doanh nghiệp tách ra từ các tổ chức KH&CN công lập, khi chuyển đổi cơ chế hoạt động, có tiềm lực ban đầu khá yếu, không có vốn, tài sản Nhà nước giao rất hạn chế, chỉ có các trang thiết bị nghiên cứu cũ, dây chuyền và thiết bị sản xuất lạc hậu. Do đó, Nhà nước cần tạo cơ chế hỗ trợ vay tín dụng hoặc chỉ định thầu một số dự án, công trình có hàm lượng KH&CN cao có tính chất tạo đà để phát triển thành doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, ngay khi các doanh nghiệp KH&CN mới bắt đầu thành lập, đi vào hoạt động cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các phương thức khác nhau. Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu, để có được một dự án doanh nghiệp còn phải thỏa mãn các điều kiện về: kinh nghiệm thực hiện, thực hiện các dự án có quy mô lớn… như vậy thì các doanh nghiệp KH&CN mới hình thành không đủ các tiêu chí để có thể cạnh tranh với doanh nghiệp khác. Do đó cần có một cơ chế ưu tiên áp dụng vào sản xuất những công nghệ do người Việt Nam tạo ra thông qua những doanh nghiệp KH&CN. Ngược lại, doanh nghiệp cũng được quyền chỉ định thầu một số hạng mục, được Nhà nước hỗ trợ trong một số hoạt động để đủ điều kiện cạnh tranh trong đấu thầu.
Thực tế cho thấy để đạt được năm nghìn doanh nghiệp KH&CN vào năm 2020 là nhiệm vụ rất khó khăn với tình hình hiện nay. Nhưng đây cũng chỉ là những con số làm mục tiêu hướng đến, trong khi có nhiều doanh nghiệp đạt đủ tiêu chí nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Các cấp có thẩm quyền cần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm giúp doanh nghiệp nhận được ưu đãi khi chuyển đổi trở thành doanh nghiệp KH&CN. Có như thế mới có thể đạt được mục tiêu đề ra và đưa những con số trên giấy trở thành những doanh nghiệp KH&CN thật sự có đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Theo Nhandan.com.vn