Thận trọng với cây trồng biến đổi gene là cần thiết
Ngày đăng: 11/09/2017 16:43
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/09/2017 16:43
Trong khi cây trồng biến đổi gene vẫn còn gây nhiều tranh cãi về cái được-cái mất xét trên bình diện chung của cả nền kinh tế-xã hội thì các nghiên cứu từ phía những người ủng hộ cây trồng biến đổi gene cho rằng nhiều bằng chứng khoa học không thể phủ nhận về lợi ích của loại cây trồng này đối với nền nông nghiệp và môi trường, cũng như sinh kế của người nông dân.
Đây là ý kiến được nêu tại hội thảo về tác động xã hội-môi trường của cây trồng biến đổi gene vừa diễn ra ở TPHCM.
Vì sao cây trồng biến đổi gene bị chỉ trích?
Thái độ hoài nghi với những phát kiến mới của khoa học vốn dĩ không có gì lạ. Và cây trồng biến đổi gene là một điển hình như vậy. Dù đã được trồng phổ biến hàng chục năm qua ở Mỹ - nơi mà các cơ quan về kiểm dịch, dịch tễ, y tế và an toàn thực phẩm được cho là có cái nhìn rất khắc nghiệt đối với sản phẩm nông nghiệp - nhưng cho đến nay cây trồng biến đổi gene vẫn bị phản đối kịch liệt ở châu Âu.
Nằm trong vòng xoáy ấy, không khó để tìm thấy những bài báo chỉ trích cây trồng biến đổi gene hoặc thực phẩm biến đổi gene tại Việt Nam, với các luận điểm cho rằng biến đổi gene là can thiệp “thô bạo” vào quá trình tiến hóa của tự nhiên, phá vỡ đa dạng sinh học và gây ra rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe con người. Ngoài ra, có những quan điểm còn tin rằng cây trồng biến đổi gene thậm chí cũng không mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng trọt khi khảo nghiệm trên thực tế.
Tuy nhiên, theo TS. Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, những thông tin tiêu cực ấy đa số không đến từ các chuyên gia và giới khoa học mà chủ yếu theo con đường lan truyền từ các diễn đàn xã hội và mang đậm màu sắc cảm tính. Theo đó, những người phản đối cho rằng cây trồng biến đổi gene không chắc tạo ra sự khác biệt nào về năng suất khi trồng trọt trên thực tế. Tuy nhiên, giới khoa học khẳng định đây là sự lập lờ quan điểm bởi cây trồng biến đổi gene (ví dụ cây ngô biến đổi gene hiện nay tại Việt Nam) phải trồng ở khu vực có điều kiện khắc nghiệt về sâu bệnh và cỏ dại thì mới cho ra kết quả thuyết phục mang tính khoa học.
Vậy tại sao những quan điểm khoa học ủng hộ cây trồng biến đổi gene lại đang bị “chìm nghỉm” giữa một rừng thông tin phản bác? Theo Croplife, tổ chức cổ vũ đưa ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, thì công bố các bằng chứng khoa học là một chuyện, còn cách truyền thông cho công chúng dễ hiểu và dễ chấp nhận lại là chuyện khác.
Những bằng chứng khoa học ủng hộ
Theo nghiên cứu về tác động kinh tế-xã hội của cây trồng biến đổi gene trên toàn cầu giai đoạn 1996-2015 từ PG Economics (Anh), hãng nghiên cứu và tư vấn giải pháp cho dịch vụ nông nghiệp và các ngành công nghiệp dựa trên khai thác tài nguyên tự nhiên, cây trồng biến đổi gene mang lại lợi ích cho toàn bộ chuỗi sản xuất nông nghiệp, từ nhà cung cấp giống, nhà sản xuất công nghệ lẫn nông dân canh tác và người tiêu dùng.
Cụ thể, nhờ phát triển cây trồng biến đổi gene, lượng thuốc trừ sâu được sử dụng trên toàn cầu đã giảm đi 691 triệu kg, nhiều hơn tổng lượng thuốc trừ sâu mà Trung Quốc sử dụng trên cây trồng trong 1 năm. Từ đó giảm tác động lên môi trường 18,6%. Thu nhập của người nông dân cũng tăng 167,7 tỷ USD, tức mỗi hecta cây trồng biến đổi gene thì nông dân sẽ có thêm thu nhập 88 USD.
Trồng cây biến đổi gene cũng không cần làm đất, đồng nghĩa giảm phát thải carbon trong đất, tiết kiệm chi phí nhiên liệu và máy móc; Cây trồng biến đổi gene có thể chống chịu được sâu bệnh, cỏ dại tốt hơn nên năng suất cao hơn. Giá cả loại nông sản này vì vậy giảm xuống. Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu cũng là cải thiện sức khỏe cho nông dân. Về môi trường, công nghệ biến đổi gene cho cây trồng cũng góp phần giảm phát thải 26,7 tỷ kg khí carbonic, tương đương giảm 11,9 triệu ô tô lưu thông trên đường. Trong đó, giảm 2,8 tỷ kg khí CO2 nhờ hạn chế phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ và giảm 23,9 tỷ kg CO2 nhờ không làm đất.
Còn vô vàn những con số khác chứng minh lợi ích của cây trồng biến đổi gene từ nghiên cứu trên mà trong phạm vi một bài báo, người viết chưa thể dẫn chứng đầy đủ. Nhưng có thể lập luận một cách nôm na như ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) rằng “để thích nghi với biến đổi khí hậu hiện nay, tại sao lại từ chối những nghiên cứu biến đổi gene kiểu như tạo ra cây lúa có thể tưới bằng nước mặn?”
Sự thận trọng cần thiết
Trong khi cây trồng biến đổi gene được những người ủng hộ đưa ra rất nhiều bằng chứng về lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường thì phía tranh biện lại đặt câu hỏi “vậy tại sao giống ngô biến đổi gene đã được phép thương mại hóa ở Việt Nam từ năm 2013 nhưng lại đang phổ biến rất chậm, đến nay cũng mới chiếm chưa đến 10% tổng diện tích trồng ngô của cả nước?”.
Theo giải thích nghiêng về tính kinh tế thì đó là do chi phí sản xuất ngô thành phẩm tại Việt Nam khá cao so với thế giới, năng suất lại mới chỉ 4,5-4,8 tấn/ha nên ngô trong nước vốn đã kém cạnh tranh với ngô nhập khẩu, còn để cạnh tranh được thì phải có sản lượng 5 tấn/ha và phải bán được với giá từ 5.000-6.000 đồng/kg vì ngô nhập khẩu về đến Việt Nam hiện mới chỉ 4.400 đồng/kg. Đây là bài toán kinh tế tổng thể liên quan đến cả cơ giới hóa nông nghiệp, đến công tác bảo quản và chế biến sau thu hoạch… chứ không chỉ là bài toán về giống cây trồng.
Về phương diện quản lý nhà nước, Việt Nam cũng được xem là khá thận trọng khi mới từng bước công nhận 5 giống ngô được biến đổi gene và cũng chỉ mới công nhận biến đổi gene trên cây ngô mà thôi. Việt Nam cũng phải mất đến 10 năm từ lúc có chủ trương ứng dụng công nghệ sinh học, trong đó có công nghệ biến đổi gene vào nông nghiệp, cho đến lúc hoàn thiện các văn bản bước đầu thiết lập hành lang pháp lý giám sát cây trồng biến đổi gene.
Theo Chinhphu.vn