Nhu cầu số hóa trong nông nghiệp ở Cần Thơ
Ngày đăng: 24/06/2022 15:08
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 24/06/2022 15:08
Theo GS Võ Tòng Xuân, đa số nông dân ở Cần Thơ sản xuất nông nghiệp theo truyền thống nên có nhiều cơ hội cho chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới.
GS Võ Tòng Xuân (giữa) chia sẻ với đại diện đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp tại hội thảo, sáng 24/6. |
Thông tin được GS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, hiện là hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ tại hội nghị "Ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp" tổ chức sáng 24/6.
GS Xuân dẫn câu chuyện từ thực tế Covid-19, khi đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nông dân sản xuất nhưng không biết tiêu thụ ở đâu. Do đó, việc ứng dụng công nghệ là nhu cầu cấp bách giúp nông dân kết nối với thị trường. Thực tế chỉ một số ít nông dân sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. "Đây là dấu hiệu cho thấy thay vì tiêu thụ theo kênh truyền thống, nông dân đã biết sử dụng công nghệ để bán hàng", GS Xuân nói.
Bên cạnh công nghệ quảng bá sản phẩm, GS Xuân mong muốn nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ trong sản xuất (thiết bị IoT, cảm biến, dữ liệu lớn...) để nâng cao năng suất, giảm lao động. Ông cho rằng, ứng dụng công nghệ không phải chạy theo chế tạo ra cái mới. Người dân chỉ cần đánh giá cần sử dụng thiết bị gì, phần mềm gì, sau đó mua công nghệ với giá thành phù hợp mô hình sản xuất của mình. Để làm việc này, cần có đội ngũ chuyên gia vừa giỏi công nghệ nhưng cũng hiểu biết về nông nghiệp để hỗ trợ nông dân chuyển đổi số theo từng loại cây, con mà họ đang sản xuất.
"Nhu cầu về số hóa nông nghiệp là rất lớn", ông nói và cho rằng Cần Thơ với lợi thế về quy mô sản xuất, lực lượng chuyên gia công nghệ đông nên phải là địa phương dẫn đầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về lĩnh vực này.
Nông dân huyện Thới Lai, TP Cần Thơ thu hoạch lúa. |
Là doanh nghiệp cung cấp công nghệ, ông Trần Sỹ Hưng, đại diện Nextfarm cho biết, để giúp nông dân ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, công ty có thể cung cấp các giải pháp với chi phí chỉ bằng 50% so với các sản phẩm ngoại nhập, cùng loại. Hiện, Nextfarm chuyên phát triển các giải pháp quản lý trang trại với diện tích lớn với nhiều loại cây trồng bằng công nghệ IoT giúp giám sát các chỉ số môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ CO2, pH.... Các công nghệ này hỗ trợ quản lý và điều tiết việc chăm sóc hiệu quả hơn, giúp tăng năng suất, giảm chi phí và lao động...
Ông Hưng cũng cho biết, sẵn sàng chuyển giao các phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh thu và chăm sóc khách hàng, phù hợp với từng mô hình nông trại quy mô nhỏ trong nước.
Thực tế ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp còn khá mới so với trình độ hiểu biết và tập quán làm việc của nhiều nông dân, theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ còn nhỏ lẻ, chưa có quy mô lớn. Tuy nhiên với tiềm lực về nguồn nhân lực có chuyên môn, nhiều cơ sở nghiên cứu nông nghiệp, ông Hà kỳ vọng Cần Thơ là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số nông nghiệp cả nước.
Báo cáo của UBND Cần Thơ cho biết, thành phố có 105.000 hộ có hoạt động động nông, lâm nghiệp và thủy sản với tổng số lao động 232.000 người, 46 hợp tác xã, 67 doanh nghiệp nông nghiệp. Cần Thơ có 68 trường viện, 6.000 người hoạt động nghiên cứu khoa học, nhiều đơn vị nghiên cứu nông nghiệp hàng đầu như Đại học Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL... Mới đây Cần Thơ khởi công dự án trung tâm dữ liệu ĐBSCL giúp tích hợp dữ liệu đa ngành, phục vụ phân tích và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững ngành nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành.
Theo Vnexpress