Nhiều sản phẩm, sáng tạo công nghệ được đưa vào sản xuất
Ngày đăng: 11/10/2016 08:40
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/10/2016 08:40
Thời gian qua, các chương trình thuộc lĩnh vực KH&CN đã tạo ra để đưa vào sản xuất 23 loại giống cây mới và 25 chủng vi sinh, giống vật nuôi có ưu thế vượt trội so với các chủng giống cũ; tạo ra 208 công nghệ mới, trong đó có 55 công nghệ đã được hoàn thiện và chuyển giao cho sản xuất, 630 quy trình sản xuất mới với 157 quy trình đã hoàn thiện.
Toàn cảnh buổi họp báo. |
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo định kỳ của Bộ KH&CN ngày 6/10 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phạm Công Tạc.
Trong quý III, các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo KH&CN, kết nối cung-cầu công nghệ diễn ra rất sôi động, có thể kể đến như các sự kiện: Ngày hội đầu tư - Demo Day 2016; Giao lưu trực tuyến “Đổi mới sáng tạo KH&CN - Yếu tố sống còn của phát triển”; Hội thảo “Kết nối, chuyển giao công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc”; Hội thảo “Giới thiệu Dự án FIRST và hướng dẫn viết hồ sơ đề xuất tài trợ”.
Sự kiện nổi bật trong quý III là tổng kết các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015. Trong giai đoạn 2011-2015, có 15 chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, trong đó 10 chương trình thuộc lĩnh vực KH&CN (chương trình KC) và 5 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX).
Ngoài những sản phẩm, công nghệ được đưa vào sản xuất như trên, các đề tài, dự án cũng đã tạo ra 321 loại vật liệu mới và tiến hành thương mại hóa được 73 sản phẩm, tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa đạt hàng trăm tỷ đồng. Có 374 cơ sở dữ liệu, 27 phần mềm các loại được xây dựng. Một số cơ sở dữ liệu, bản đồ quy hoạch đã đóng góp thiết thực vào việc thiết kế, xây dựng các công trình biển và đề xuất các phương án sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất và nước.
Trong quý III, Bộ cũng tập trung sửa đổi Luật Chuyển giao Công nghệ năm 2006. Luật sửa đổi sẽ tập trung vào các vấn đề phát triển thị trường KH&CN; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ; thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu; quản lý nhà nước…
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, an toàn bức xạ, hạt nhân, gắn chíp quản lý các nguồn phóng xạ di động đã được lãnh đạo Bộ KH&CN cũng như đại diện các đơn vị chức năng giải đáp.
Giải đáp về việc chi không hết ngân sách dành cho khoa học và kiểm soát công nghệ lạc hậu, Chánh văn phòng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, sở dĩ có thông tin quy định chi 2% tổng chi ngân sách hằng năm cho KH&CN, nhưng lại tiêu không hết là do đặc thù hoạt động KH&CN. Kinh phí cấp cho đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng theo cơ chế có thể kéo dài 2-3 năm chứ không tính theo năm tài chính. Vì vậy, mới có tình trạng tiền dự toán theo năm tài chính còn tồn lại.
Giải đáp câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của Bộ KH&CN trong việc tìm nguyên nhân cá chết Hồ Tây, ông Bùi Thế Duy cho hay, theo chức năng nhiệm vụ, Bộ KH&CN đã có chỉ đạo Sở KH&CN Hà Nội phối hợp các cơ quan liên quan tìm hiểu thông tin. Bộ cũng đã cử cán bộ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam để phối hợp trong công tác lấy mẫu, khảo sát, đánh giá mẫu, nghiên cứu.
Trước nguy cơ an ninh, an toàn khi để mất nguồn phóng xạ, Bộ KH&CN cũng cho biết, đến hết 30/10, các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ phải hoàn thành việc lắp thiết bị giám sát để theo dõi 24/24h các nguồn phóng xạ nguy hiểm. Hệ thống quản lý giám sát nguồn phóng xạ được tích hợp nhiều công nghệ định vị, truyền thông và cảm biến tiên tiến, cho phép giám sát liên tục các nguồn phóng xạ trong điều kiện môi trường khác nhau. Trong trường hợp xảy ra thất lạc nguồn phóng xạ hoặc có dấu hiệu tháo gỡ, sử dụng trái phép nguồn phóng xạ, hệ thống giám sát sẽ tự động kích hoạt để thông báo qua SMS, email.
Theo Chinhphu.vn