Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thuỷ lợi phục vụ sản xuất lúa vụ Thu Đông ở Đồng bằng Sông Cửu Long
Ngày đăng: 13/09/2019 16:03
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/09/2019 16:03
Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích gần 4 triệu ha, trong đó diện tích chịu ảnh hưởng của lũ tiềm năng hàng năm lên tới trên 2 triệu ha (vào những trận lũ trung bình trở lên) phần thượng Đồng bằng và xâm nhập mặn vùng hạ Đồng bằng với tiềm năng cũng trên 2 triệu ha. Đồng bằng là một vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp (lúa, trái cây) và thủy sản (nước ngọt, lợ và mặn) với giá trị xuất khẩu các mặt hàng này cao nhất cả nước.
Trong hơn chục năm qua, diện tích lúa ở ĐBSCL không ngừng tăng lên theo sự hoàn thiện dần của công trình thủy lợi, trong đó sự gia tăng đáng kể là vụ lúa Thu-Đông, đạt đến khoảng 850.000 ha hàng năm, chủ yếu ở vùng lũ, còn trong các hệ thống ngọt hóa giữ ổn định, ít dao động hàng năm tùy theo nguồn nước.
Trong thời gian gần đây, do phát triển mạnh mẽ ở thượng nguồn Mê Công, nguồn nước trên đồng bằng đang có nhiều biến động nhất là lũ giảm mạnh (lũ vừa và nhỏ xảy ra thường xuyên hơn, chiếm đến trên 90% thời gian trên Đồng bằng), xâm nhập mặn thường xảy ra sớm; do đó vấn đề sản xuất nói chung và vụ Thu Đông nói riêng lại cần phải được cân nhắc kỹ hơn phù hợp với điều kiện hiện tại và trong tương lai, trong tổng thể hài hòa giữa các vùng trên đồng bằng, nhất là các vùng thượng (ngập lũ hàng năm) và vùng hạ ven biển (xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài).
Song song với quá trình phát triển đê bao, các quy hoạch và kế hoạch của nhà nước cũng đã được thiết lập, nhƣ quy hoạch lũ, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sản xuất lúa Thu Đông,... với mục đích là hỗ trợ và kiểm soát quá trình phát triển. Trên thực tế, các quy hoạch và thực tế sản xuất vẫn còn những khoảng cách rất lớn, nhất là việc phát triển vượt ra ngoài phạm vi quy hoạch. Sự bất cập này có thể nằm ở tính dự báo của các quy hoạch, trong đó các điều kiện tác động thay đổi quá nhanh, và cũng từ sự năng động vượt tầm kiểm soát của các địa phương. Cho đến lúc này, việc phát triển lúa Thu Đông như thời gian qua nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, vẫn chưa gây ra vấn đề gì lớn trên Đồng bằng. Một câu hỏi đặt ra là "nếu tiếp tục phát triển thêm nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra và phát triển theo cách nào là hợp lý" vẫn còn thiếu một lời giải đáp, nói khác đi là cần phải tìm cơ sở khoa học của việc phát triển lúa Thu Đông và các giải pháp thích hợp cho loại hình sản xuất này. Xuất phát từ thực tiễn như vậy, Cơ quan chủ trì đề tài Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam phối hợp cùng chủ nhiệm đề tài GS.TS Tăng Đức Thắng để thực hiện nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thuỷ lợi phục vụ sản xuất lúa vụ Thu Đông ở Đồng bằng Sông Cửu Long” này.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1) Đã tổng quan được tình hình phát triển kinh tế xã hội, hiện trạng sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, hiện trạng thủy lợi,… liên quan đến sử dụng nước ở vùng nghiên cứu trong thời gian qua;
2) Đã tổng quan được tình hình nguồn nước trên lưu vực Mê Công, ĐBSCL và BĐCM trong bối cảnh phát triển thượng lưu tính đến thời điểm 2016;
3) Từ việc nghiên cứu về phát triển hệ thống các công trình hồ chứa thượng lưu Mê Công cập nhật đến 2016, đã xác định được:
- Dung tích hữu ích các hồ trong tương lai gần (các hồ hiện hữu + các hồ đang xây dựng, không kể 11 hồ trên thủy điện dòng chính hạ lưu Mê Công) vào khoảng 55 tỷ m3, tạo ra khả năng điều tiết dòng chảy rất lớn về hạ lưu, cả việc cắt lũ và dòng chảy mùa kiệt;
- Dung tích có khả năng điều tiết trong mùa khô trên lưu vực Mê Công do các hồ chứa và liên quan đến các hồ chứa là 63-65 tỷ m3.
Số liệu này là căn cứ đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá tác động của phát triển thượng lưu đến toàn bộ chế độ thủy văn, thủy lực châu thổ Mê Công nói chung và ĐBSCL nói riêng.
4) Từ nghiên cứu về biến động dung tích điều tiết các hồ chứa thượng lưu, đã tính toán đặc trưng dòng chảy theo tần suất tại đầu châu thổ (trạm Kratie, Campuchia) dưới tác động của điều tiết, với một số thông số quan trọng là:
- Đặc trưng dòng chảy ở thể gần với tự nhiên (tiềm năng, coi như chưa có hồ chứa - bằng cách tính hồi tố); tính theo lưu lượng và tổng lượng (3 tháng 7+ 8+9 và 5 tháng mùa lũ);
- Đặc trưng dòng chảy mùa lũ đã qua điều tiết (sau khi các hồ chứa đã tích) theo giai đoạn hiện tại và tương lai gần; tính theo lưu lượng và tổng lượng (3 tháng 7+8+9, và 5 tháng 7+8+9+10+11);
Kết quả tính toán được đối chiếu với các năm quá khứ, chỉ ra rằng, tác dụng cắt lũ đã làm dòng chảy mùa lũ giảm gần một cấp; và cũng đã chứng minh được lũ 2000 là trận lũ lịch sử, lớn nhất đã từng xảy ra. Kết quả tính toán này làm cơ sở để diễn toán lũ về Đồng bằng.
5) Đã nghiên cứu (mới) đánh giá khá toàn diện về mưa vùng ĐBSCL. Theo đó, việc đánh giá được thực hiện chi tiết cho toàn Bán đảo, theo năm, theo mùa, theo tháng với các tần suất khác nhau. Mưa 1, 3, 5 ngày lớn nhất cũng được đánh giá làm cơ sở cho tính toán tiêu thoát, bố trí lịch canh tác,... Thêm vào đó, đã xây dựng được bản đồ hệ số tiêu thiết kế cho toàn Đồng bằng, làm cơ sở để thiết kế các công trình tiêu úng ngập vụ Thu Đông (trạm bơm, cống). Kết quả có nhiều điểm mới, nhất là đã đánh giá được rằng trong hơn 30 năm qua, lượng mưa tăng ĐBSCL, chủ yếu vào mùa khô, hầu như không tăng vào mùa mưa (tăng rất nhỏ); Kết quả nghiên cứu đã được lập bản đồ cho toàn Đồng bằng, tạo thuận lợi cho sử dụng cho các ngành nông nghiệp, xây dựng,...
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13859/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Theo Vista.gov.vn