Nâng cao vị thế của Việt Nam tại Viện Ðúp-na
Ngày đăng: 15/06/2014 23:40
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/06/2014 23:40
Cán bộ Trung tâm Vật lý hạt nhân, Viện Vật lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vận hành thiết bị thí nghiệm. |
Hơn 50 năm qua, Việt Nam đã có quan hệ hữu nghị và hợp tác với Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Ðúp-na (thường gọi là Viện Ðúp-na). Trong bối cảnh những năm gần đây, nước ta phải nộp nguồn kinh phí (niên liễm) ngày càng cao, một vấn đề đặt ra là cần xây dựng những đề tài, dự án khoa học lớn, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về thiết bị thí nghiệm ở đây, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam tại Viện Ðúp-na.
Phó Giáo sư, tiến sĩ (PGS, TS) Lê Hồng Khiêm, Viện trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Vật lý hạt nhân, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (HLKH và CN) Việt Nam, hướng dẫn chúng tôi thăm phòng thí nghiệm của trung tâm và chia sẻ: Vừa rồi tôi có dịp sang công tác ở Thái-lan, được tham quan cơ ngơi dành cho ngành nghiên cứu vật lý của nước bạn, mới thấy mình còn thua kém quá nhiều. Chỉ riêng những máy móc, thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học hạt nhân ở Thái-lan đều có giá phổ biến từ ba đến hơn năm triệu USD/chiếc. Còn ở Việt Nam, thiết bị nào cao lắm cũng chỉ có giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Cho nên muốn triển khai, thực hiện một đề tài có quy mô lớn cũng khó. Trong khi đó, Việt Nam là thành viên của Viện Ðúp-na, hằng năm phải đóng một nguồn kinh phí không nhỏ, nhưng chúng ta lại ít quan tâm việc tranh thủ khai thác, sử dụng máy móc, thiết bị ở đây vào việc thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KH và CN).
Viện Ðúp-na là một trung tâm nghiên cứu đa ngành không chỉ của LB Nga mà còn của cả thế giới. Hơn 50 năm qua, Viện Ðúp-na là chiếc nôi đào tạo hàng trăm sinh viên và các nhà khoa học cho Việt Nam, trong đó có những tên tuổi như các GS Nguyễn Văn Hiệu, Phạm Duy Hiển, Ðào Vọng Ðức, các cố GS Nguyễn Ðình Tứ, Võ Hồng Anh... PGS, TS Lê Hồng Khiêm, đại diện của Việt Nam tại Viện Ðúp-na cho biết: Hiện, Viện Ðúp-na có tám phòng thí nghiệm lớn và một cơ sở đào tạo đại học. Trong đó có những phòng thí nghiệm chuyên ngành như phòng thí nghiệm năng lượng cao, thí nghiệm vật lý hạt, thí nghiệm phản ứng hạt nhân, thí nghiệm về sinh học bức xạ... Tại đây có các thiết bị thực nghiệm hiện đại như tổ hợp gia tốc siêu dẫn hạt nhân và i-on nặng Nuclotron, lò phản ứng notron xung IBR-2M để nghiên cứu vật lý notron, vật lý các môi trường đậm đặc và ứng dụng, máy gia tốc proton phasotron sử dụng trong điều trị ung thư bằng chùm tia, hệ thiết bị tạo chùm notron cường độ cao trên cơ sở máy gia tốc điện tử tuyến tính IREN phục vụ nghiên cứu vật lý hạt nhân bằng phương pháp thời gian bay trong vùng năng lượng notron đến hàng trăm Kev...
Viện Ðúp-na có mối quan hệ hợp tác với hơn 700 cơ sở nghiên cứu và trường đại học ở 64 quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam trở thành thành viên thứ 12 của viện này vào năm 1956. Nhờ có sự hỗ trợ của Viện Ðúp-na trong công tác đào tạo, cũng như cung cấp trang thiết bị từ cách đây hơn 30 năm (như máy gia tốc Microtron MT-17), hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý hạt nhân ở Việt Nam nói chung và Viện HLKH và CN Việt Nam nói riêng đã đạt những bước phát triển quan trọng. Những năm gần đây, theo PGS, TS Lê Hồng Khiêm, hàng chục lượt cán bộ thuộc Viện HLKH và CN Việt Nam (kể cả các cơ quan khoa học khác) đã tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học tại Viện Ðúp-na. Các nhà khoa học nước ta đã và đang triển khai một số hướng nghiên cứu khác nhau tại Trung tâm khoa học hàng đầu châu Âu này. Chẳng hạn như nghiên cứu phản ứng hạt nhân trên máy gia tốc MT25 và các máy gia tốc khác; phân tích kích hoạt notron trên lò phản ứng IBR-2 để xác định các nguyên tố kim loại trong rêu biển nhằm theo dõi và đánh giá mức độ biến đổi khí hậu; nghiên cứu cấu trúc các vật liệu mới sử dụng các phổ kế trên lò phản ứng hạt nhân IBR-2; xây dựng các phần mềm máy tính để giải các bài toán trong lĩnh vực Vật lý lý thuyết...
Viện Ðúp-na là một trung tâm nghiên cứu KH và CN liên Chính phủ và bao gồm nhiều chuyên ngành khác nhau, Việt Nam là thành viên thứ 12 trong số 18 thành viên chính thức. Hằng năm, chúng ta đều đóng một khoản niên liễm khá lớn (năm 2013 là 247 nghìn USD), năm 2014 tăng lên hơn 286 nghìn USD và các năm tới sẽ càng cao hơn. Trong bối cảnh này, ngành KH và CN nước ta nói chung, trong đó có các viện nghiên cứu thuộc Viện HLKH và CN Việt Nam, cần có kế hoạch khai thác tiềm năng của Viện Ðúp-na cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm lẫn chất xám. Các lĩnh vực khoa học có thể triển khai nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm của Viện Ðúp-na gồm có: Vật lý, vật liệu, toán học, hóa học, môi trường sinh học, khoa học máy tính, kỹ thuật chân không... Cho nên điều quan trọng là chúng ta cần có các ý tưởng khoa học, nhất là xây dựng được những đề tài, dự án có hàm lượng khoa học cao, đồng thời có sự thống nhất với các nhóm nghiên cứu mạnh của nhiều nước tại Viện Ðúp-na. Khi đó chúng ta mới có thể khai thác, tận dụng hiệu quả các thiết bị hiện đại và chất xám ở trung tâm khoa học lớn này, tránh để lãng phí nguồn niên liễm khá cao mà hằng năm nước ta phải đóng góp. Mặt khác, PGS, TS Lê Hồng Khiêm nhấn mạnh, chúng ta cần đầu tư nhân lực và cả nguồn tài chính nhằm tranh thủ cơ chế hỗ trợ của viện này. Ðó là việc Hội đồng Khoa học Viện Ðúp-na đã đồng ý cho Việt Nam được sử dụng kênh số 5 của tổ hợp gia tốc IREN (nguồn phát notron có năng lượng cộng hưởng cường độ lớn) từ năm 2015. Với tổ hợp này, có thể giải quyết rất nhiều bài toán khác nhau cả trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản cũng như các vấn đề khác của triển khai ứng dụng, nhất là về hạt nhân nguyên tử. Làm được điều này cũng là cách để nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam tại Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Ðúp-na.
Theo Nhandan.org.vn