Mô hình thương mại hóa kết quả KH&CN tại thành phố Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 12/08/2014 17:52
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 12/08/2014 17:52
Ứng dụng thiết bị tổng đài IP và Video Conference BK phục vụ hội chẩn y tế tại BV Nhân dân 115 |
Sau hai năm thực hiện thí điểm, mô hình tổ chức quản lý, khai thác, thương mại hóa kết quả KH&CN tại TP Hồ Chí Minh đã mang lại những thành công nhất định, tỷ lệ kết quả KH&CN được chuyển giao đạt 34%, qua đó đã động viên, khích lệ các nhà quản lý, nhà khoa học tham gia thực hiện các kết quả nghiên cứu. Đây được coi là minh chứng thực tiễn nhất của mô hình quản lý kết quả nghiên cứu của các đề tài/dự án sau nghiệm thu.
Quyết tâm thực hiện ý tưởng
Hiện nay, công tác quản lý các kết quả KH&CN được đầu tư từ ngân sách nhà nước sau khi nghiệm thu ít được các cơ quan quản lý KH&CN quan tâm. Hầu hết các kết quả KH&CN trên phạm vi cả nước sau khi hoàn thành nghiên cứu chỉ chuyển giao cho các địa chỉ áp dụng nêu trong thuyết minh. Nhiều kết quả KH&CN tại một số địa phương được Hội đồng khoa học nghiệm thu đánh giá có tính mới, trình độ sáng tạo, giá trị thương mại hóa cao nhưng hầu như không được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Quyền tác giả và lợi ích nhà nước thu được từ quyền sở hữu trí tuệ của các kết quả KH&CN bị lãng quên dần theo năm tháng. Làm sao để thúc đẩy chuyển giao các kết quả KH&CN được đầu tư từ ngân sách nhà nước vào cuộc sống, phục vụ đổi mới công nghệ và hình thành các doanh nghiệp KH&CN, mang lại lợi ích cho Nhà nước và tác giả của các công trình nghiên cứu đã được lãnh đạo Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh đặt ra và quyết tâm thực hiện.
Năm 2012, Tổ thương mại hóa các kết quả KH&CN thuộc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh được thành lập (Tổ thương mại hóa) đặt tại Phòng Quản lý khoa học - phòng chức năng của Sở được giao nhiệm vụ quản lý các đề tài/dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của thành phố. Tổ được giao nhiệm vụ thực hiện công tác xúc tiến thương mại hóa các kết quả KH&CN theo chỉ đạo của Giám đốc Sở KH&CN.
Tổ thương mại hóa đã đề xuất với lãnh đạo Sở, tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Công văn số 6286/VP-CNN ngày 15.8.2012 về việc hoàn chỉnh danh sách các sản phẩm KH&CN sẽ được thương mại hóa. Tổ đã rà soát những kết quả của các đề tài/dự án nghiệm thu từ năm 2006 đến 2012 và lập danh mục gồm 47 sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa. Các thành viên của Tổ đã phối hợp với các nhà khoa học là chủ nhiệm đề tài đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả KH&CN. Cho đến nay, Tổ đã hoàn thành việc nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 6 kết quả KH&CN, đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn và đang trong quá trình thẩm định nội dung để cấp văn bằng bảo hộ. Đồng thời, Tổ thương mại hoá phối hợp với các nhà khoa học hoàn chỉnh các thủ tục đăng ký lưu hành sản phẩm theo từng lĩnh vực chuyên ngành để đưa các kết quả KH&CN mới được nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh rộng rãi trong nước. Một số kết quả KH&CN đã được triển khai thực hiện là: hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý xin phép Bộ Y tế cho phép sử dụng kết quả nghiên cứu thuốc RUVINTAT (đã được Bộ Y tế chấp thuận); thực hiện thủ tục xin phép lưu hành cho nước cốt vắc xin dại dùng trong thú y; hỗ trợ chủ nhiệm đề tài ốc chân cung kết nối với Bộ Y tế để thực hiện thủ tục thử nghiệm lâm sàng...
Với các kết quả KH&CN có giá trị thương mại hóa cao, sau khi hoàn thành việc sản xuất thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm, Tổ phối hợp với chủ nhiệm đề tài thực hiện việc định giá. Đồng thời, Tổ thương mại hóa tìm kiếm các doanh nghiệp có nhu cầu để giới thiệu, đàm phán các phương án hợp tác phát triển sản phẩm. Ví dụ, Tổ đã thực hiện việc định giá, xác định giá trị bộ sản phẩm thuốc RUVINTAT làm cơ sở cho việc đàm phán, trao đổi với 8 công ty sản xuất kinh doanh dược phẩm nhằm kêu gọi hợp tác đầu tư phát triển thuốc RUVINTAT và đã nhận được phương án hợp tác đầu tư của 2 doanh nghiệp; chuyển giao nước cốt vắc xin dại dùng trong thú y cho doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp thực hiện đóng gói và phân phối; công nghệ chế tạo máy bứt củ lạc (đậu phộng) đã được chuyển giao cho các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An, Nghệ An...
Đem lại hiệu quả thiết thực
Sau hai năm thực hiện thí điểm, mô hình tổ chức quản lý, khai thác, thương mại hóa kết quả KH&CN tại TP Hồ Chí Minh đã mang lại những thành công, giúp động viên, khích lệ đối với các nhà quản lý, nhà khoa học tham gia thực hiện các kết quả nghiên cứu. Tỷ lệ kết quả KH&CN được chuyển giao đạt 34%. Trong Ngày KH&CN Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức (18.5.2014), Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh đã chuyển giao 24 kết quả KH&CN cho 16 đơn vị. Một số kết quả KH&CN tiêu biểu được chuyển giao là: thiết bị tổng đài IP và Video conference Bách khoa phục vụ hội chẩn y tế tại Bệnh viện Nhân dân 115; bộ kit ELISA phát hiện nhanh dư lượng Melamine trong sữa và thức săn chăn nuôi cho Công ty TNHH Thời Đại Xanh; quy trình sản xuất thịt heo an toàn; mô hình xử lý nước thải kết hợp thu hồi protein phục vụ chế biến thủy sản cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Bạc Liêu...
Ngoài việc làm các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu, liên hệ với các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành các kết quả nghiên cứu mới lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, định giá, đàm phán để đi đến hợp tác đầu tư phát triển các kết quả nghiên cứu, chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp, Tổ còn có nhiệm vụ phối hợp với chủ nhiệm đề tài xây dựng các kế hoạch xúc tiến, thúc đẩy hoạt động chuyển giao các kết quả KH&CN, như xây dựng kế hoạch cụ thể để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, trong đó có tổ chức hội thảo, xây dựng mô hình trình diễn. Kết quả mang lại từ quá trình chuyển giao lớn hơn gấp nhiều lần so với giá trị đầu tư ban đầu từ ngân sách nhà nước ban đầu, mang lại lợi ích cho Nhà nước, cho tác giả của các công trình nghiên cứu.
Máy bứt củ lạc - Một kết quả nghiên cứu được chuyển giao đến các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An, Nghệ An |
Mặt khác, Tổ thương mại hoá còn là cầu nối với các doanh nghiệp thực hiện đặt hàng nghiên cứu với các nhà khoa học. Ví dụ đối với máy bóc vỏ gỗ, xuất phát từ yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp, Tổ thương mại hóa đã tiếp thu, tìm kiếm các nhà khoa học để nghiên cứu chế tạo. Hiện yêu cầu này đang được thực hiện dưới dạng đề tài nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Đối với một số kết quả KH&CN đã được nghiên cứu nhưng trước đây chưa hoàn thiện, sau khi được Tổ thương mại hóa nghiên cứu, đánh giá khả năng thương mại hóa, đã được đề xuất tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện công nghệ (trường hợp máy phun hạt mài lưu tốc cao), để có thể đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường thuận lợi, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Tổ thương mại hóa tại Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh là một minh chứng thực tiễn của mô hình quản lý kết quả nghiên cứu của các đề tài/dự án sau nghiệm thu mà nhóm tác giả đã từng đề cập trên Tạp chí Hoạt động Khoa học số tháng 4.2012. Từ kết quả triển khai trên của TP Hồ Chí Minh, đề nghị Bộ KH&CN có những nghiên cứu, đánh giá về mô hình, từ đó ban hành các quy định và hướng dẫn việc triển khai áp dụng cho các Sở KH&CN địa phương. Việc quản lý các kết quả KH&CN sau nghiệm thu là hết sức có ý nghĩa, giúp mang lại hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về KH&CN nói chung, hiệu quả cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động KH&CN nói riêng, thực hiện thành công chủ trương phát triển thị trường KH&CN tại Việt Nam theo tinh thần Luật KH&CN năm 2013.
Theo Truyenthongkhoahoc