Lần đầu tiên Việt Nam có máy se tơ từ cây sen
Ngày đăng: 09/01/2020 09:36
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/01/2020 09:36
Nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội chế tạo thành công máy lấy tơ sen tự động, năng suất tăng gấp ba lần so với thủ công.
Máy kéo tơ sen |
Tơ sen được sử dụng để dệt lụa. Ở Việt Nam sản phẩm lụa từ tơ sen được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, mang lại giá trị kinh tế nhưng các công đoạn chọn, xếp cuống sen đến miết tơ, đều làm thủ công. Nhận thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào nghề dệt tơ sen, nhóm Ngô Trần Minh Đức, Nguyễn Văn Thắng, Trần Quốc Đạt, Cao Anh Tú và Lương Đức Trung (sinh viên năm 4, Khoa Cơ khí - Chế tạo máy) đã nảy ra ý tưởng chế tạo máy lấy tơ sen để nâng cao năng suất. Từ giữa tháng 10 năm 2019, nhóm bắt tay chế tạo, lên mô hình máy và phân công, người lo lập trình, thiết kế mạch điện tử, người lo thiết kế phần vỏ và lắp ráp.
Nguyễn Văn Thắng cho biết, công đoạn khó và quan trọng nhất trong quá trình chế tạo là cấp phôi, tạo độ chính xác tuyệt đối cho máy. Do mỗi thân sen đều có kích thước khác nhau, nên yêu cầu máy phải cấp phôi chính xác để đạt tỉ lệ miết tơ cao nhất. Đây là công đoạn quan trọng nhất và nhiều lần nhóm bất đồng quan điểm do mỗi người có ý tưởng khác nhau. Sau nhiều tranh luận, cuối cùng nhóm cũng đi đến thống nhất chế tạo máy lấy tơ sen với ba cụm chính.
Cụm thứ nhất có chức năng kẹp và định vị thân sen, đồng thời đi qua lưỡi dao để tạo vết cắt trên thân sen. Cụm thứ hai có chức năng kéo xoắn tơ. Cụm thứ ba sẽ miết tơ để nối các sợi nhỏ với nhau thành một sợi hoàn chỉnh. Mọi công đoạn đều được lắp ráp và vận hành tự động.
Chạy thử nghiệm, máy xử lý từ 600 - 650 cuống sen mỗi ngày, gấp ba lần số lượng cuống sen so với thủ công, tơ sen được kéo dài và dày hơn. Máy có thể thay thế 3 - 4 nhân công. Nhóm nghiên cứu tự tin có thể đưa sản phẩm ra thị trường vì "đây là sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam", Đức nói. Toàn bộ chi phí chế tạo máy trong khoảng 40 triệu đồng, thời gian chế tạo là hai tháng.
Để đáp ứng nhu cầu thương mại, nhóm nghiên cứu cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cấp phôi tự động để phù hợp với mọi kích cỡ thân sen. Ngoài ra sẽ cải thiện bộ phận miết tơ để tạo ra nhiều sợi hơn. Khi sản phẩm sẵn sàng đưa ra thị trường, nhóm sẽ tiếp cận các đơn vị sản xuất và doanh nghiệp có nhu cầu để thương mại hóa sản phẩm.
Thông thường để sản xuất một chiếc khăn dài hai mét cần tới gần 5.000 cuống sen, trong khi một người thợ lành nghề chỉ làm được khoảng 250 cuống sen mỗi ngày. Như vậy phải mất ít nhất hai tháng để dệt tơ sen thành sản phẩm, dẫn đến giá thành cao, khó tiếp cận người dùng. Với việc tự động hóa khâu sản xuất tơ sẽ giúp giảm thời gian làm ra một chiếc khăn lụa, cơ hội giảm giá thành sản phẩm.
Tại cuộc thi "Sáng tạo trẻ Bách Khoa 2019" vừa tổ chức cuối tháng 12/2019, Đề tài chế tạo máy lấy tơ sen của nhóm nghiên cứu dành giải Nhất.
Theo Vnexpress