Lần đầu can thiệp mạch máu não không gây mê cứu sống bé gái 15 tuổi
Ngày đăng: 10/08/2018 08:45
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/08/2018 08:45
Việc để bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo giúp ekip có thể theo dõi và đánh giá các chức năng thần kinh của cháu trong suốt quá trình can thiệp.
Sau can thiệp, tuần hoàn sau được cấp máu tốt qua động mạch thông sau. |
Khoa Ngoại Thần Kinh - Bệnh viện Nhi Đồng 2, với sự hỗ trợ của TS. Bs Trần Chí Cường - giảng viên Đại học Y dược TPHHCM, vừa điều trị thành công ca túi phình mạch máu não phức tạp bằng phương pháp can thiệp nội mạch.
Bệnh nhân là bé gái 15 tuổi, ngụ tại Q9, TPHCM. Hơn 1 năm trước, em bị đau đầu dữ dội, và qua khảo sát hình ảnh ghi nhận phình mạch khổng lồ của 2 động mạch đốt sống ngay tại vị trí hợp lưu tạo thành động mạch thân nền. Đây là vị trí cực kì nguy hiểm và nhạy cảm, cung cấp máu cho vùng thân não - khu vực chỉ huy cao cấp của não bộ.
Sau nhiều lần hội chẩn, bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch, đặt 1 stent chuyển dòng ở động mạch đốt sống bên phải,để đảm bảo duy trì dòng máu lưu thông cho vị trí này và đồng thời, dùng coil (vòng xoắn kim loại) để tắc động mạch đốt sống trái đoạn có túi phình, ngăn ngừa túi phình vỡ, gây xuất huyết nguy hiểm.
Kết quả thành công mỹ mãn, cả về mặt lâm sàng và hình ảnh học, túi phình gần như được tắc hoàn toàn, máu lưu thông tốt và bệnh nhân không có bất cứ biến chứng nào.
Hơn 1 năm sau xuất viện, em và gia đình quay lại bệnh viện tái khám. Nhưng kết quả hình ảnh học cho thấy túi phình ngày xưa không lành mà ngày càng lớn hơn, chèn ép vào thân não, và chỉ chực chờ vỡ ra.
Sau khi quan sát kĩ lưỡng tất cả từng chi tiết, từng cấu trúc mạch máu, Ts Cường đưa ra ý kiến vẫn có thể làm được, bằng cách tắc luôn động mạch đốt sống đoạn mang túi phình bên còn lại, có nghĩa là tắc luôn nguồn cung cấp máu cho tuần hoàn sau còn lại. Tuy nhiên nguy cơ rất cao, bởi những thông nối từ mạch máu tuần hoàn phía trước có thể sẽ không đủ.
Sau khi được bác sỹ giải thích tường tận những rủi ro có thể xảy ra, thậm chí có thể đe dọa tính mạng, hoặc sống thực vật, gia đình vẫn quyết định đồng ý sẽ tiếp tục điều trị. Chỉ như vậy mới có hy vọng, mới có cơ hội cho cháu, chứ túi phình ấy vỡ ra thì có lẽ chẳng thể nào cứu được.
Ngày tiến hành can thiệp, Ths Bs Đặng Đỗ Thanh Cần, trưởng khoa ngoại thần kinh, BV Nhi Đồng 2 và Ts Bs Cường liên tục trao đổi về khả năng thành công, và những nguy cơ có thể xảy ra, và cuối cùng là lời nhắn gởi: “Nếu thấy không ổn thì dừng lại, đừng cố gắng”.
Sau khi bàn bạc, ekip quyết định sẽ tiến hành mọi can thiệp trong khi bé vẫn tỉnh táo, chỉ gây tê tại chỗ vị trí bẹn 2 bên, vị trí đặt ống thông vào động mạch đùi. Sau đó, luồn ông thông chọn lọc vào động mạch đốt sống bên phải, rồi bơm bóng để ngăn luồn máu chảy lên túi phình, đồng thời chặn luôn dòng máu lên thân não.
Tiếp theo đó, lại luồng ống thông chọn lọc từng động mạch cảnh trong bên phải, rồi bên trái để kiểm ra sự thông nối từ tuần hoàn não trước vào tuần hoàn não sau qua các động mạch thông sau.
Sau khi bơm thuốc cản quang, cây mạch máu não hiện ra, mạch máu từ tuần hoàn phía trước len lỏi xuống tuần hoàn phía sau, tới tận vị trí túi phình, là niềm vui mừng của ekip, đúng với ý định ban đầu. Và trong thời gian ấy, bệnh nhân cũng không có triệu chứng gì, vẫn trả lời và thực hiện theo y lệnh được.
Ekip tiến hành hội chẩn lại lần nữa, và quyết định đặt Coil để tắc hoàn toàn động mạch đốt sống bên phải đoạn mang túi phình ấy. Lần lượt từng coil được đưa vào để lấp túi phình, với tổng cộng 6 coil, và trong hơn 1h thực hiện. Kết thúc qua trình can thiệp, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, vẫn cử động, nói chuyện được, cả ekip mới thở phào nhẹ nhõm.
Sau hơn 1 tuần theo dõi, bệnh nhân phục hồi tốt, không yếu liệt tay chân. Đây là niềm vui hạnh phúc của cả ekip - với quyết định quá mạo hiểm, táo bạo nhưng đã thu được kết quả thành công ngoài mong đợi.
Đây là lần đầu tiên một bệnh nhi được can thiệp mạch máu khi đang hoàn toàn tỉnh táo tại BV. Nhi đồng 2. Việc để bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo giúp ekip có thể theo dõi và đánh giá các chức năng thần kinh của cháu trong suốt quá trình can thiệp. Qua đó, có thể đưa ra những phương án can thiệp tối ưu nhất. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự phối hợp của ekip gây mê cũng như sự hợp tác của bệnh nhi.
Theo Khampha.vn