Khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp
Ngày đăng: 10/09/2018 15:56
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/09/2018 15:56
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (thường gọi là Nghị quyết “tam nông”), nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có bước phát triển mạnh làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Sáng 07/9/2018 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PT NN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội nghị thu hút trên 200 đại biểu là đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương, các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp,...
Hội nghị là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Nghị quyết; đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho thời gian tới.
Gia tăng giá trị nông sản nhờ ứng dụng KH&CN
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, KH&CN đã có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%. Điều này góp phần thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế nông nghiệp.
Nhờ áp dụng các công nghệ mới trong chọn tạo giống cây trồng, thời gian chọn tạo giống cây trồng mới đã giảm xuống còn từ 3-5 năm, thay vì 7-10 năm như trước đây, trung bình hàng năm Bộ NN&PTNT đã công nhận hàng chục giống mới/năm. Từ đó nhanh chóng gia tăng diện tích trồng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, tính chống chịu tốt. Hiện nay cả nước đã có hơn 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả... được dùng giống mới và KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của nông sản. Năm 2017, Việt Nam đã trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt 36,37 tỷ USD.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2009 -2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công nhận 309 giống cây trồng và 203 tiến bộ kỹ thuật mới. Chương trình giống đã có hiệu quả lớn, góp phần đáng kể tăng năng suất và chất lượng của nông sản việt. Đến hết năm 2017, 800 tiêu chuẩn, 210 quy chuẩn kỹ thuật đã được công nhận, ban hành và áp dụng hiệu quả.
Ngoài ra, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã ứng dụng KH&CN, nhất là công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của cả các thị trường khó tính. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã tăng hiệu quả kinh tế từ 15 - 30% thông qua sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao và quy trình sản xuất tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Làn gió mới từ Nghị quyết "tam nông"
Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Bộ NN&PTNN đã khẳng định: “tính đúng đắn của một Nghị quyết mang tầm chiến lược của Đảng đối với một khu vực chiếm gần 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động của cả nước”. Điều này được thể hiện rõ nét trong những kết quả lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà Bộ, ngành và các địa phương đã nỗ lực đạt được trong thập kỷ qua.
Trong 10 năm qua, nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn; tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Giai đoạn 5 năm (2013-2017), ngành đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và xuyên suốt chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về sự thống nhất cao của toàn xã hội đối với tính tất yếu khách quan và yêu cầu cấp bách là ”phải thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng”.
Nhờ đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ so với năm 2008 và dự kiến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD.
Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên (năm 2008 chỉ có 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên), trong đó có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (năm 2008 có 2 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD). Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất toàn ngành tiếp tục tăng trưởng mạnh; tốc độ tăng trưởng vượt mục tiêu đã đề ra và đạt mức cao; GDP nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm tăng 3,93%, đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Theo đó, nông dân đã phát huy vai trò chủ thể, tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng KH&CN, tham gia chuỗi giá trị, nhất là trong xây dựng nông thôn mới; thu nhập ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao; dân chủ được phát huy theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”.
Ngoài ra, phong trào xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa cao, trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, văn minh, hiện đại hơn.
Một trong những địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết „tam nông“ vào sản xuất và đời sống, tỉnh Bắc Giang đã đạt nhiều thành tích quan trọng về sản xuất nông nghiệp. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu. Một số sản phẩm nông nghiệp đã có thương hiệu không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu như: vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ... Nhờ đó năng suất và giá trị nông sản đều tăng qua hàng năm, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp năm 2017 đạt 92 triệu đồng/ha, tăng gần 3 lần so với năm 2008, sản lượng lương thực có hạt đạt gần 660.000 tấn, tăng gần 90.000 tấn so với năm 2008 (570.000 tấn).
Tham dự Hội nghị, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đã khẳng khẳng định „tính đúng đắn“ của Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa X). ”Nghị quyết 26 như luồng gió mới đánh thức tiềm năng phát triển nông nghiệp, nông thôn Bắc Giang. Điều đó được khẳng định qua kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị Quyết, cụ thể là cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc,... Đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng tem nhãn, bao bì đóng gói sản phẩm.
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu, một số sản phẩm nông nghiệp đã có thương hiệu không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu như: vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ...
Theo Truyenthongkhoahoc