Hội thảo “Thách thức khoa học trong công tác quan trắc và điều tra hệ thống nước mặt và nước ngầm"
Ngày đăng: 15/09/2014 14:26
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/09/2014 14:26
Ngày 19/8/2014, tại Hà Nội, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thách thức khoa học trong công tác quan trắc và điều tra hệ thống nước mặt và nước ngầm (bao gồm cả thách thức về hạ tầng công nghệ thông tin)”. Nội dung Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình Hội thảo quốc tế Sáng kiến hạ lưu sông Mê Kông với chủ đề “Hạ tầng công nghệ thông tin và Tài nguyên nước vùng hạ lưu sông Mê Kông” đã được khai mạc trước đó 1 ngày.
Thành phần tham dự Hội thảo gồm có: các nhà khoa học, các chuyên gia quản trị mạng đến từ Hoa Kỳ và các quốc gia thuộc hạ lưu sông Mê Kông. Trong phiên họp toàn thể mở đầu Hội thảo, các đại biểu được nghe chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, thuộc các các tổ chức: Cơ quan hợp tác Puget Sound, Viện Hải dương học Woods Hole/ Global Rivers, và Cơ quan Hải dương học và Khí quyển trình bày thuyết trình và thảo luận về chủ đề chính của Hội thảo.
Cũng trong buổi sáng, sau phần thuyết trình và thảo luận, Hội thảo được chia ra làm 2 hợp phần: Quản trị mạng và Nghiên cứu khoa học. Trong hợp phần Quản trị mạng, các học viên được nghe chuyên gia trình bày hướng dẫn thiết kế và quản trị mạng cục bộ và lý thuyết mạng cục bộ Lớp 2. Trong khi đó, nội dung của hợp phần Nghiên cứu khoa học tập trung vào: Công tác quan trắc và điều tra hệ thống nước mặt và nước ngầm, cụ thể là đi sâu vào các vấn đề như sau: Tổng quan về dữ liệu thu nhận từ vệ tinh và hoạt động quan trắc trái đất qua vệ tinh, NASA/SERVIR; Quan sát Trái đất thông qua vệ tinh và ứng dụng đối với các khu vực đang phát triển.
Trong buổi chiều, các chuyên gia đã trình bày 4 tham luận, với các nội dung: Siêu dữ liệu và các tiêu chuẩn dữ liệu (WMO/WIS,…). Trong phần này, chuyên gia đến từ Đại học California, San Diego (UCSD), Hoa Kỳ trình bày cách thức hợp tác chia sẻ dữ liệu cũng như các biện pháp chia sẻ và sử dụng dữ liệu nước hữu hiệu nhất. Trong môi trường số, vai trò của siêu dữ liệu là rất quan trọng bởi vì nhiều nguồn tài nguyên không dễ dàng có thể xem toàn văn và nhiều nguồn không chứa đựng dữ liệu rõ ràng mô tả về chính chúng. Do đó, nội dung tham luận này rất hữu ích, phục vụ công tác thu thập, xác định giá trị tài liệu, bảo quản an toàn và tổ chức khai thác sử dụng tài liệu điện tử, bảo đảm các yêu cầu về tính xác thực thông tin, tính toàn vẹn thông tin, có thể đọc được bởi các thiết bị phần cứng cũng như phần mềm sau này; Tiếp theo, bài tham luận về “Mạng lưới cảm biến” đã được trình bày bởi chuyên gia thuộc Viện Thông tin điện tử Thủy lợi và Nông nghiệp, Thái Lan. Trong đó, chuyên gia nhấn mạnh đến 3 nội dung chính: Ý nghĩa của mạng lưới cảm biến, Thực trạng mạng lưới cảm biến tại từng quốc gia và Phương hướng phát triển mạng lưới cảm biến, kho lưu trữ dữ liệu và chia sẻ dữ liệu.
Nội dung của báo cáo tiếp theo được trình bày tại Hội thảo là: Hoạt động hợp tác giữa Viện Thông tin điện tử Thủy lợi và Nông nghiệp Thái Lan (HAII) với đối tác Lào trong lĩnh vực quan trắc.
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đã nghe phát biểu của hai chuyên gia đại diện cho Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Đại học California, San Diego, Hoa Kỳ về chủ đề: Hoạt động hợp tác giữa Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với Liên hiệp các trường Đại học vì sự tiến bộ của khoa học thủy văn (CUAHSI) và Đại học California, San Diego (UCSD), Hoa Kỳ trong công tác quản lý dữ liệu thủy văn khu vực Nam Bộ.
Ngoài các hoạt động chính còn có hoạt động bên lề Hội thảo, như Triển lãm (tại Tầng 1, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia) giới thiệu một số kết quả nghiên cứu về biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước.
Theo Vista.vn