Được tự động chuyển nguồn kinh phí sang năm sau nếu chưa dùng hết
Ngày đăng: 17/07/2014 18:06
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/07/2014 18:06
Toàn cảnh Hội thảo |
Đây là một trong những đổi mới sẽ được thực hiện đối với các đề tài nghiên cứu do Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) tài trợ.
Mới đây, Nafosted đã tổ chức Hội thảo thảo luận với các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN nhằm lấy ý kiến góp ý cho Thông tư Quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và Thông tư Quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn do Nafosted tài trợ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, đây là 02 bản dự thảo tương đối công phu, rõ ràng, đáp ứng được thực tiễn hoạt động của Quỹ trong suốt 5 năm qua.
Điểm đổi mới tích cực nhất nằm ở quy định cấp kinh phí, cho phép nhiệm vụ được thực hiện thông qua Quỹ, giúp giảm bớt thủ tục hành chính và cho phép các đề tài nếu chưa dùng hết kinh phí trong một năm thì có thể chuyển nguồn tự động sang năm kế tiếp.
Dự thảo Thông tư cũng đề xuất gia tăng thời gian thực hiện đề tài thêm 6 tháng so với quy định cũ, cụ thể là thời hạn 30 tháng đối với đề tài nghiên cứu lý thuyết và 42 tháng đối với đề tài nghiên cứu thực nghiệm (trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật); thời hạn không quá 30 tháng đối với các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Một vấn đề nổi bật được nhiều đại biểu tranh luận là tiêu chí đánh giá nghiệm thu các đề tài, cụ thể là làm sao để cân bằng giữa số lượng công trình công bố và chất lượng thực sự của các nghiên cứu. GS. TS Phùng Hồ Hải, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho rằng, Quỹ cần thay đổi mục đích nghiệm thu, không nên chỉ dựa vào sản phẩm cụ thể như số lượng bài công bố trên ISI để nghiệm thu đề tài với mục đích quyết toán kinh phí mà cần đánh giá nghiên cứu dựa trên ý nghĩa khoa học của đề tài để cân nhắc việc tiếp tục tài trợ cho năm sau. Nếu không, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng các nhà khoa học phải bẻ nhỏ nghiên cứu để có đủ bài công bố, dẫn đến suy giảm chất lượng đề tài.
Tuy vậy, nhiều đại diện các ngành vẫn cho rằng không thể xóa bỏ tiêu chí bài công bố ISI bởi đây là một thước đo khách quan mà thế giới vẫn dùng để duy trì một chuẩn mực nhất định cho các nghiên cứu. GS. TS Phạm Hùng Việt (Trung tâm Nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững) đề xuất các hội đồng tự quy định số lượng công bố, sản phẩm phù hợp với tính khả thi trong ngành của mình.
Đặc biệt đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, hầu hết các đại biểu đều cho rằng yêu cầu có bài báo công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế là điều rất khó, nhiều đại biểu đề nghị bỏ tạp chí chuyên ngành chỉ cần tạp chí khoa học là đủ.
GS Hoàng Chí Bảo cho rằng các yêu cầu này thiên về định lượng trong khi KHXH&NV là lại định tính, chỉ nên đưa thành điều kiện khuyến khích chứ không nên để điều kiện bắt buộc đối với công bố quốc tế.
PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại đưa ra đề xuất, nếu đề tài đăng ký công bố quốc tế thì để thành điều kiện bắt buộc, nếu không đăng ký thì thành điều kiện khuyến khích. PGS Trần Đình Thiên cũng có ý kiến nên chọn các nhà khoa học trẻ được đào tạo ở nước ngoài tham gia vào Hội đồng và các đề tài cần phải công khai để xã hội biết đến và có ý kiến.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo bổ sung thêm những định nghĩa rõ ràng về nhóm nghiên cứu trẻ và nhóm nghiên cứu mạnh, đưa ra những tiêu chí cụ thể hơn và nhất là những quyền lợi mà các nhóm này được hưởng.
Thông tư Quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và Thông tư Quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là 02 trong 8 thông tư sẽ được ban hành trong năm nay nhằm nâng cao tính hiệu quả trong các hoạt động của Quỹ.
Theo Truyenthongkhoahoc