Đề xuất nhà khoa học được kinh doanh kết quả nghiên cứu
Ngày đăng: 14/11/2023 08:22
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 14/11/2023 08:22
Các đề tài nghiên cứu được cấp bằng sở hữu trí tuệ cần có cơ chế cho nhà khoa học được thành lập doanh nghiệp để kinh doanh, theo GS Phan Thị Tươi.
GS Phan Thị Tươi đề xuất cơ chế cho nhà khoa học được kinh doanh kết quả nghiên cứu. |
Ý kiến được GS Phan Thị Tươi, chuyên gia khoa học máy tính, Đại học Quốc gia TP HCM nói tại hội thảo đánh giá chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia "Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0" (KC 4.0) giai đoạn 2019 - 2023 định hướng đến 2030, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TP HCM chiều 11/11.
Từng tham gia nhiều hội đồng khoa học, GS Tươi chia sẻ nhiều đề tài nghiên cứu được cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích. Nhưng sau khi hoàn thành và nghiệm thu, đề tài bị dừng lại do nhà khoa học phải bàn giao cho cơ quan quản lý. Tuy nhiên, dẫn ví dụ các nước trên thế giới, bà cho rằng đề tài nghiên cứu sau khi hoàn thành, nhà khoa học được phép kinh doanh. Tức khi nghiên cứu thành công, họ có cơ chế thuận lợi để thành lập doanh nghiệp và bán sản phẩm. Theo GS Tươi với cơ chế này, các bằng sở hữu trí tuệ của nhà khoa học có cơ hội phát triển thành các sản phẩm thương mại hóa.
Tuy nhiên, GS Tươi cho rằng tại Việt Nam việc này gặp khó khăn do nhiều nhà khoa học hiện làm việc trong viện nghiên cứu, đại học trong hệ thống nhà nước. Điều này vô tình tạo ra sự lãng phí trong các kết quả nghiên cứu, chỉ dừng lại ở việc "đút ngăn kéo".
Với góc độ chuyên môn, GS Tươi chia sẻ, riêng ngành công nghệ thông tin, khi nhà khoa học nghiên cứu tạo ra nhiều dữ liệu quý. Nếu liên tục cập nhật sẽ trở thành nguồn dữ liệu lớn. Dữ liệu này ngoài việc được chia sẻ để khai thác miễn phí trong một chừng mực nào đó, còn lại sẽ là sản phẩm thương mại. "Cần có cơ chế nhà khoa học được sáng tạo và thương mại hóa nghiên cứu của mình theo quy định luật sở hữu trí tuệ", GS Tươi đề xuất. Bà nhấn mạnh thế hệ các nhà khoa học trẻ hiện có nhiều thuận lợi và năng lực nghiên cứu giỏi nên cần thiết có cơ chế nhà khoa học thương mại hóa sản phẩm.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, Chủ nhiệm Chương trình KC 4.0 cho biết, thực tế năng lực nghiên cứu, khả năng thu hút đầu tư xã hội của các viện trường khu vực phía Nam là rất lớn. Do đó, theo ông quy trình thủ tục các đề tài nghiên cứu sẽ thực hiện theo hướng công khai, minh bạch trong các khâu và tập trung thực hiện trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt gánh nặng cho nhà khoa học. Cùng với đó, ông đặt tiêu chí cho những nghiên cứu và các công trình cần có địa chỉ ứng dụng cụ thể, sản phẩm có sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị. |
Ở phần thảo luận nhiều ý kiến góp ý nhằm kết nối chặt chẽ hơn giữa các nhà khoa học liên ngành để có thêm nhân lực và nguồn lực, giúp thực hiện được những đề tài xứng tầm. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng cần được hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục hành chính, quy trình đăng ký và nhất là cách triển khai đề tài như thế nào cho phù hợp với nội dung, tinh thần của Chương trình.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, khung chương trình KC 4.0 giai đoạn tới theo hướng tới làm chủ, phát triển các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cụ thể, nhà khoa học tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mà Việt Nam có lợi thế để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển và đổi mới các mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đạt cho biết, các lĩnh vực ưu tiên trong chương trình như dữ liệu lớn, robot, IoT, an ninh mạng, điện toán đám mây, in 3D, thực tế ảo... Ông đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ và Ban Chủ nhiệm tiếp thu các ý kiến để tổ chức triển khai hiệu quả chương trình cho giai đoạn tới, trước mắt là việc hoàn thiện khung chương trình kéo dài đến năm 2030 để trình ban hành trong năm 2023.
Trong giai đoạn 2019 - 2023, Chương trình KC 4.0 có 7 nhiệm vụ khoa học công nghệ được nghiệm thu, 40 nhiệm vụ đang triển khai. Các nghiên cứu được định hướng có địa chỉ ứng dụng và chuyển giao công nghệ triển khai thực tế. Các đơn vị được đề xuất ứng dụng kết quả nghiên cứu cần có đủ uy tín và năng lực tiếp nhận và triển khai. Trong giai đoạn này một số công trình được nghiệm thu như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tích hợp dữ liệu địa chất đánh giá triển vọng dầu khí; hệ thống hỗ trợ thực hành tiền lâm sàng nhi khoa dựa trên công nghệ thực tế ảo; nghiên cứu cung cấp dịch vụ dữ liệu địa chỉ Việt Nam phục vụ dân sinh...
Vnexpress