Đẩy mạnh khoa học và công nghệ hướng tới phục vụ đời sống, sản xuất
Ngày đăng: 01/07/2014 18:46
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/07/2014 18:46
KHCN phục vụ sản xuất |
Đẩy mạnh nghiên cứu, đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn, đồng thời triển khai chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học tham gia, đầu tư khoa học - công nghệ (KH-CN) phục vụ phát triển KT-XH... Là một trong những ưu tiên trong chiến lược KH-CN Hà Nội đến năm 2020.
Trong những năm qua, hoạt động KH-CN thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đã xây dựng 12 chương trình KH-CN trọng điểm cấp thành phố; thành lập các ban chủ nhiệm chương trình KH-CN. Việc tổ chức các chương trình KH-CN trọng điểm có một ý nghĩa định hướng quan trọng trong việc sàng lọc, lựa chọn nhiệm vụ KH-CN hàng năm, tập trung nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm để giải quyết các mục tiêu lớn trong phát triển KT-XH của thành phố theo từng giai đoạn hoặc hàng năm. Bên cạnh đó, Hà Nội đã chủ động thu hút, khai thác nguồn lực trí tuệ của đội ngũ trí thức của các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp của Hà Nội và của trung ương đóng trên địa bàn tham gia nghiên cứu khoa học. Hàng năm, trên 60% số đề tài, dự án được các đơn vị, tổ chức trung ương thực hiện mang lại hiệu quả lớn trong hoạt động KH-CN phục vụ phát triển KT-XH của Thủ đô.
Tổ chức thường niên hội nghị 3 nhà: quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp để các trường đại học, viện nghiên cứu có cơ hội giới thiệu năng lực nghiên cứu khoa học, các công nghệ thiết bị là kết quả của các đề tài nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao cho các cơ quan, doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát thực tế, tiếp xúc và làm việc với các sở, ngành, các quận, huyện, các doanh nghiệp và một số trường, viện nghiên cứu trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý và sản xuất kinh doanh của các đơn vị, trên cơ sở đó, đề xuất đặt hàng những nhiệm vụ KH-CN sát với yêu cầu thực tiễn…
Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu có nhiều khởi sắc. Giai đoạn 2011 - 2014, các chương trình KH-CN cấp thành phố đã triển khai 438 đề tài nghiên cứu và dự án sản xuất thử nghiệm với nguồn kinh phí thực hiện gần 550 tỷ đồng. Tỷ lệ ứng dụng kết quả vào thực tiễn của các đề tài khoảng 70% và dự án là 100%. Nhiều kết quả của các đề tài, dự án đã được áp dụng trực tiếp vào sản xuất, đem lại hiệu quả thiết thực trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông, nông nghiệp, y tế, giáo dục, môi trường...
Đơn cử trong lĩnh vực nông nghiệp, đã nghiên cứu thành công đưa ra nuôi, trồng đại trà các loại giống cây, con mới; áp dụng công nghệ chế biến và bảo quản nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, tăng thu nhập cho bà con nông dân; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cơ khí, tự động hoá, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học vào bảo quản, chế biến, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, quy mô công nghiệp và trang trại, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Nhìn chung, các nhiệm vụ nghiên cứu đã tập trung vào các vấn đề mang giá trị kinh tế cao, xuất phát từ các nhu cầu thực tiễn của đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để hoạt động KH-CN thành phố Hà Nội có nhiều kết quả tốt hơn, trong thời gian tới, cần nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ trong chiến lược KH-CN thành phố đến năm 2020 và Nghị quyết số 4/2013 HĐND thành phố về chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển KH-CN và các nhà KH-CN tham gia thực hiện chương trình KH-CN trọng điểm của Thủ đô. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu, đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn đời sống; các nhiệm vụ KH-CN đặt hàng trực tiếp từ Thành ủy, UBND, các sở, ban, ngành, quận, huyện, doanh nghiệp và các đơn vị.
Đồng thời tập trung nghiên cứu ứng dụng vào việc giải quyết các vấn đề nóng bỏng của thành phố như: ô nhiễm môi trường; tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, chống úng lụt... Ngoài ra, cần tăng cường nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng các dây chuyền công nghệ, thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ chế thử, hoàn thiện sản phẩm để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Đặc biệt, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá các kết quả nghiên cứu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng.
Theo Đại Biểu Nhân Dân