Công nghệ cô đặc JEVA và giải pháp chế biến dưa hấu
Ngày đăng: 22/05/2017 08:27
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 22/05/2017 08:27
Toàn cảnh Hội nghị |
Mới đây, tại Quảng Ngãi, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên (INAPRO) thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức Hội nghị giới thiệu công nghệ cô đặc JEVA và đề xuất các giải pháp chế biến dưa hấu và các loại quả nhiệt đới khác.
Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo UBND Tỉnh, lãnh đạo của các Sở ban ngành liên quan như: Sở KH&CN, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Tuyên giáo tỉnh, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh hợp tác xã tỉnh Đai diện các huyện, thành phố trồng nhiều dưa hấu: Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Thành phố Quảng Ngãi, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Trà Bồng và một số doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản.
Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận về công nghệ cô đặc JEVA do Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên phát triển từ kết quả nhiệm vụ hợp tác quốc tế về KH&CN theo Nghị định thư. Tại đây, PGS.TS. Nguyễn Minh Tân – Viện trưởng, Chủ nhiệm nhiệm vụ giới thiệu tính năng, hiệu quả của công nghệ và đề xuất giải pháp chế biến dưa hấu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo hướng liên kết 4 nhà “Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp”, góp phần thiết thực cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nếm thử cảm quan so sánh giữa nước ép dưa hấu Quảng Ngãi tươi và nước dưa hấu pha từ sản phẩm nước dưa hấu cô đặc (từ nguyên liệu dưa hấu Quảng Ngãi, được chế biến bằng công nghệ JEVA tại Trường ĐHBK Hà Nội). Đồng thời, các đại biểu trao đổi thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc ứng dụng công nghệ cô đặc JEVA để sản xuất ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao có thể xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ từ dưa hấu Quảng Ngãi.
Các đại biểu đều thể hiện mối quan tâm lớn đến công nghệ JEVA và đều đánh giá công nghệ JEVA có thể sản xuất ra sản phẩm nước dưa hấu cô đặc có chất lượng cao và phù hợp với qui mô và đặc điểm của sản xuất nhỏ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu thể hiện quan ngại về khả năng tiêu thụ của sản phẩm nước dưa hấu cô đặc còn tương đối mới mẻ tại Việt nam và về chất lượng dưa hấu hiện tại: phương thức canh tác hiện nay liệu có dẫn dến thực trạng dư lượng thuốc trừ sâu có trong dưa hấu nguyên liệu và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cô đặc và khả năng thương mại hoá sản phẩm tại thị trường nước ngoài.
Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp khẳng định sẽ sẵn sàng đầu tư công nghệ JEVA, sau khi xác định khả năng tiêu thụ của sản phẩm nước dưa hấu cô đặc tại thị trường thế giới và trong nước. Đại diện các huyện của tỉnh Quảng Ngãi cũng khẳng định sẽ sẵn sàng hợp tác để phát triển qui trình trồng dưa hấu sạch và tiến hành thử nghiệm trên một diện tích nhất định để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công nghệ JEVA nhằm sản xuất nước cô đặc có chất lượng cao để chào giá tại thị trường trong nước và nước ngoài.
Kết thúc, Hội nghị nhất trí nhận định rằng công nghệ JEVA rất phù hợp để sản xuất nước quả cô đặc (không riêng dưa hấu) tại Việt Nam (không riêng Quảng Ngãi) và cần được triển khai ứng dụng. Ngoài ra, để Công nghệ JEVA được ứng dụng hiệu quả với quy mô công nghiệp và doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư sản xuất với quy mô lớn và giải quyết triệt để vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân, tỉnh Quảng Ngãi sẽ phải triển khai thử nghiệm phối hợp đồng bộ ở quy mô nhỏ (1-5ha): từ khâu trồng dưa theo đúng quy trình VietGap và GlobalGap, sản xuất sản phẩm nước cô đặc quả bằng công nghệ JEVA, và quảng bá thương mại hoá sản phẩm tại các thị trường khác nhau.
Theo Truyenthongkhoahoc