Các nhà khoa học Việt công bố chế phẩm sinh học xử lý rác thải nhựa
Ngày đăng: 15/08/2019 09:04
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/08/2019 09:04
Ba chế phẩm sinh học phân hủy màng polymer, plastic (chất dẻo) có nguồn gốc khác nhau đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế vào tháng 6 vừa qua.
Các loại túi polymer, chất dẻo sử dụng trong nghiên cứu. |
Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu “Đánh giá khả năng phân hủy của các polymer phân hủy sinh học hiện có ở Việt Nam trong các điều kiện môi trường xử lý khác nhau" do PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Công nghệ sinh học làm chủ nhiệm. Đề tài còn có sự phối hợp thực hiện của các nhà khoa học của Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Đề tài nhằm đánh giá được khả năng phân hủy sinh học của các polymer, chất dẻo do Viện Hóa học - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cung cấp và các loại túi polymer, chất dẻo đang được sử dụng ở Việt Nam và được quảng cáo là tự phân hủy sinh học trong các điều kiện và các tác nhân khác nhau.
Thực hư túi “thân thiện môi trường” tại Việt Nam
Các nguyên liệu được sử dụng trong nghiên cứu là các túi polymer, chất dẻo của Hà Lan (HL) và CHLB Đức được cấp chứng chỉ phân hủy sinh học và có khả năng ủ compost; túi polymer, chất dẻo từ đề tài nghiên cứu của Viện Hóa học - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam (VHL); túi từ siêu thị được cấp chứng chỉ thân thiện môi trường được sản xuất bằng công nghệ nhập khẩu (VN1, VN2,VN3, VN5) và túi polymer có nguồn gốc dầu mỏ được dùng hàng ngày tại Việt Nam (VN4).
Để xác định khả năng phân hủy sinh học của những loại túi này, các nhà khoa học đã sử dụng đa dạng phương pháp kỹ thuật hiện đại, như: sinh học, di truyền, thay đổi cấu trúc hóa học, vật lý... Nhóm nghiên cứu đã thiết kế nhiều lô thí nghiệm với nhiều tác nhân sinh học và vật lý để thử mức độ phân hủy của mẫu, như: sử dụng dịch chiết của bốn chủng nấm đảm; sử dụng các chủng vi khuẩn và xạ khuẩn ưa nhiệt được phân lập từ phân hữu cơ làm bằng phụ phế liệu nông nghiệp; sử dụng điều kiện hiếu khí, kỵ khí hay kết hợp cả hiếu khí và kỵ khí; nhiệt độ, độ ẩm tương đồng với môi trường tự nhiên của vùng nhiệt đới từ 10°C - 60°C; tác dụng tia tử ngoại...
Trong quá trình làm đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá khả năng phân hủy sinh học của các loại túi nhựa như nêu ở trên bằng 7 tác nhân chính (1 tác nhân vật lý và 6 tác nhân sinh học bao gồm: điều kiện tự nhiên; ủ compost; vi khuẩn, xạ khuẩn ưa nhiệt; và chuyển hóa bằng hiếu khí, kỵ khí hay hỗn hợp hiếu khí và kỵ khí).
Sau 30 ngày thử nghiệm kết quả cho thấy, trong điều kiện thí nghiệm, túi của Hà Lan, Đức đã bị phân hủy mạnh nhất bởi tất cả các tác nhân, trong đó quan trọng nhất là thay đổi cấu trúc hóa học và khối lượng phân tử trung bình, tổn hao khối lượng (45%-46% sau 14 tháng do tác nhân vật lý, và 91% sau 1 tháng do tác nhân sinh học).
Túi của Viện Hóa học có khả năng phân hủy sinh học đứng thứ hai (12%-15% đối với tác nhân vật lý sau 14 tháng).
Còn các loại túi tại các siêu thị được công bố là được cấp chứng chỉ thân thiện môi trường, sản xuất bằng công nghệ nhập khẩu và túi có nguồn gốc dầu mỏ khả năng phân hủy sinh học rất thấp (chỉ 4,7%-6% khối lượng sau 14 tháng). Các chất hình thành sau phân hủy các túi khác nhau.
Kết quả cho thấy, trong bất kỳ điều kiện nào, các loại túi gắn nhãn “thân thiện môi trường”, “có khả năng phân hủy sinh học” sản xuất bằng công nghệ nhập khẩu tại Việt Nam luôn đứng ở ví trí cuối cùng về khả năng phân hủy sinh học.
Theo các nhà khoa học, kết quả này cho thấy, việc dán nhãn, công bố túi có khả năng phân hủy sinh học là chưa chính xác, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, chủ nhiệm đề tài, cho biết trước đây, doanh nghiệp sản xuất bao bì có thể chưa biết, nhưng qua kết quả nghiên cứu này, các doanh nghiệp cần nghiêm túc đưa sản phẩm túi ni-lông của mình đi phân tích, đánh giá các tính chất, đặc tính để viết thông tin trên bao bì đúng mức. Từ đó, người tiêu dùng có thông tin chính xác khi sử dụng sản phẩm và cơ quan xử lý rác có phương pháp xử lý rác thải nhựa, ni-lông phù hợp, hiệu quả.
Cũng theo PGS Đặng Thị Cẩm Hà, ngay sau khi kết quả được công bố, một số doanh nghiệp sản xuất túi ni-lông đã tìm đến các nhà khoa học, nhờ giúp đỡ để xác định túi ni-lông đang sản xuất có khả năng phân hủy hay không.
Xử lý rác thải nhựa thành phân bón an toàn
Đề tài “Đánh giá khả năng phân hủy của các polymer phân hủy sinh học hiện có ở Việt Nam trong các điều kiện môi trường xử lý khác nhau” được tiến hành từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2017. Với các kết quả đạt được, đề tài đã được đánh giá xuất sắc tại buổi nghiệm thu vào tháng 10/2018.
Vào đầu tháng 6 năm 2019, đề tài được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp 3 Bằng độc quyền sáng chế về các chế phẩm sinh học phân hủy màng polymer, plastic (chất dẻo) có nguồn gốc khác nhau.
Trong đó, một chế phẩm được tạo ra từ tổ hợp của 4 chủng nấm đảm mới được phân lập và phân loại định danh. Hai chế phẩm còn lại được tạo ra từ các chủng xạ khuẩn chịu nhiệt phân lập từ đống ủ compost rác thải sinh hoạt, trong đó xạ khuẩn có công dụng phân hủy mạnh hơn nấm đảm.
Các chế phẩm không chỉ thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy của các loại rác nhựa phân hủy sinh học mà cả quá trình ủ compost từ một số loại rác hữu cơ với chất lượng đầu ra “giống như được khử trùng rồi”, có thể dùng vào việc cải tạo đất một cách bền vững hoặc làm phân bón an toàn.
Theo nhóm nghiên cứu, các chế phẩm hoàn toàn sử dụng nguồn tài nguyên di truyền của thiên nhiên Việt Nam và được tạo ra trong phòng thí nghiệm, bởi vậy không lo vấn đề cạn kiệt nguồn nguyên liệu.
Sau đề tài này, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu thêm các tổ hợp vi sinh vật, tổ hợp nấm có khả năng đẩy nhanh hơn nữa quá trình phân hủy của các loại rác thải nhựa phân hủy sinh học và tiến tới các loại rác thải nhựa khó phân hủy.
Phát biểu tại cuộc trao đổi với báo chí mới đây, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng Khoa học ngành Khoa học vật liệu của Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, đánh giá, những gì đề tài đạt được “hết sức quan trọng nhưng mới là ‘khởi đầu nan’, để đưa nó vào cuộc sống còn rất gian truân và cần sự hợp tác triển khai của các doanh nghiệp môi trường”.
3 chế phẩm được cấp bằng độc quyền sáng chế từ đề tài này bao gồm: - Chế phẩm sinh học phân hủy màng polymer và plastic có nguồn gốc từ dầu mỏ - Chủng xạ khuẩn ưa nhiệt Streptomyces sp. XKBD2.1 và chế phẩm xử lý rác thải màng polymer có nguồn gốc từ dầu mỏ có khả năng phân hủy sinh học hay thân thiện môi trường chứa chủng xạ khuẩn ưa nhiệt này; - Chủng xạ khuẩn ưa nhiệt Streptomyces sp. XKBD2.4 và chế phẩm xử lý rác thải màng polymer có nguồn gốc từ dầu mỏ có khả năng phân hủy sinh học hay thân thiện môi trường chứa chủng xạ khuẩn ưa nhiệt này. Trong quá trình tiến hành đề tài, các nhà khoa học đã công bố 1 bài báo trên tạp chí quốc tế Q1 Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology, 1 báo cáo trình bày ở Hội nghị quốc tế về vật liệu tiên tiến Châu Á (ASAM 6) tại Hà Nội tháng 10/2017, đào tạo một Thạc sỹ (đã được cấp bằng). |
Theo Khampha.vn