Xét nghiệm DNA mới hỗ trợ điều trị viêm nhiễm do vi khuẩn
Ngày đăng: 13/05/2025 10:09
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/05/2025 10:09
Khoảng 1/3 phụ nữ từ 14 đến 49 tuổi tại Hoa Kỳ gặp phải tình trạng mất cân bằng vi khuẩn âm đạo, còn được gọi là nhiễm khuẩn âm đạo(BV), trong suốt cuộc đời. Nhiễm khuẩn âm đạo gây ra mùi khó chịu, các triệu chứng đau rát và có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác về lâu dài. Hơn một nửa số bệnh nhân không đáp ứng với phương pháp điều trị đầu tiên bằng kháng sinh metronidazole, làm gia tăng nguy cơ tái phát.
![]() |
Giờ đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Drexel-Philadelphia đã phát triển một xét nghiệm DNA PCR đơn giản dựa trên phân tích di truyền chi tiết hơn về nhóm vi khuẩn chính gây nhiễm khuẩn âm đạo, giúp bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp với từng bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Genome Medicine trong tuần này.
Tác giả nghiên cứu Katherine Innamorati cho biết: “Nếu xét nghiệm này được đưa vào sử dụng, bệnh nhân có thể tránh dùng sai kháng sinh, từ đó giảm tác dụng phụ và tiết kiệm chi phí. Điều trị nhanh chóng và tối ưu hóa việc sử dụng kháng sinh đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân cần dùng nhiều đợt kháng sinh để loại bỏ hoàn toàn nhiễm trùng”.
Nhiễm khuẩn âm đạo chủ yếu liên quan đến một nhóm vi khuẩn từng được gọi là Gardnerella vaginalis. Các nghiên cứu trước đây của Giáo sư Garth Ehrlich tại Đại học Drexel đã chỉ ra rằng nhóm này thực chất gồm nhiều loài khác nhau. Trong nghiên cứu mới, nhóm tác giả đã xây dựng cây phả hệ chi tiết hơn bằng cách sử dụng dữ liệu giải trình tự bộ gen trên 129 mẫu Gardnerella spp., qua đó xác định 11 nhóm vi khuẩn riêng biệt, hay còn gọi là genospecies, nằm trong các nhánh phân loại chính.
Dựa trên dữ liệu này, nhóm nghiên cứu phát hiện hai nhánh chứa năm genospecies kháng 100% với metronidazole nhưng có thể được điều trị hiệu quả bằng kháng sinh clindamycin. Cả hai loại thuốc này thường được dùng trong một tuần, dưới dạng uống hoặc đặt âm đạo. Xét nghiệm PCR mới có thể phân biệt các chủng vi khuẩn này, từ đó xác định các trường hợp có khả năng kháng metronidazole cao.
Bệnh nhân nhiễm khuẩn âm đạo có thể gặp phải các triệu chứng như ngứa âm đạo, đau rát khi tiểu tiện, mùi hôi hoặc tiết dịch có màu trắng, xám hoặc xanh. Nhiễm khuẩn âm đạo không được coi là bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng một số yếu tố như quan hệ tình dục không dùng bao cao su có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Khoảng 50% trường hợp nhiễm khuẩn âm đạo không có triệu chứng, khiến nhiều bệnh nhân không được điều trị kịp thời. Dù 30% trường hợp nhiễm khuẩn âm đạo có thể tự khỏi, nhưng nếu không điều trị, bệnh có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng lây qua đường tình dục, biến chứng thai kỳ và các vấn đề viêm nhiễm khác ở cơ quan sinh sản.
Giáo sư Ehrlich giải thích: “Nhiễm khuẩn âm đạo là một dạng rối loạn hệ vi sinh (dysbiosis), tức là sự mất cân bằng của hệ vi khuẩn ở cơ quan sinh sản dưới. Một số bệnh nhân có thể cần dùng cả hai loại kháng sinh-metronidazole có thể hiệu quả với một số vi khuẩn kỵ khí, trong khi Gardnerella kháng metronidazole có thể cần được điều trị bằng clindamycin. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để xác định liệu pháp tối ưu”.
Nhóm nghiên cứu đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho xét nghiệm này. Việc triển khai rộng rãi sẽ cần sự tham gia của các phòng thí nghiệm thương mại. Nhu cầu từ bệnh nhân và các tổ chức y tế có thể thúc đẩy quá trình thương mại hóa xét nghiệm này. Hiện tại, xét nghiệm có thể giúp loại trừ phương pháp điều trị bằng metronidazole trong các trường hợp có vi khuẩn kháng thuốc, đồng thời nhóm nghiên cứu đang tiếp tục phát triển khả năng nhận diện các chủng có mức độ kháng thấp hơn. Và đang tìm hiểu các cơ chế di truyền gây kháng thuốc. Có thể một số gen đóng vai trò trong khả năng kháng kháng sinh, nhưng dữ liệu của chúng tôi cho thấy hiện tượng kháng metronidazole diễn ra qua nhiều cơ chế khác nhau, thay vì một mô hình duy nhất.
Ngoài ra, một nghiên cứu thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên được công bố gần đây trên New England Journal of Medicine cho thấy phụ nữ bị nhiễm khuẩn âm đạo trong mối quan hệ một vợ một chồng có thể giảm nguy cơ tái phát trong vòng 12 tuần nếu cả hai cùng sử dụng kháng sinh và người bạn đời nam giới dùng kem kháng khuẩn clindamycin.
Vista.gov.vn