Xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu theo hướng GACP-WHO nhằm xây dựng nông thôn mới
Ngày đăng: 25/06/2024 08:50
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/06/2024 08:50
Một trong những nội dung quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ để thúc đẩy ngành trồng trọt phát triển theo hướng hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao và bền vững.
Để giúp cho tỉnh Yên Bái và Bắc Kạn phát huy tốt hơn lợi thế vốn có, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong sản xuất, tiêu thụ cây dược liệu, đồng thời làm mô hình điểm để nhân rộng cho cả nước, ThS.Vũ Thị Vân Phượng cùng nhóm nghiên cứu tại Công ty cổ phần VietRAP đầu tư thương mại đã thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu (Hà thủ ô đỏ, Ý dĩ, Bạc hà, Sả chanh) theo hướng GACP-WHO nhằm xây dựng nông thôn mới tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái và huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn” nhằm góp phần khai thác những lợi thế so sánh của tỉnh Bắc Kạn và Yên Bái. Cụ thể: hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản Ý dĩ, Bạc hà, Sả chanh theo hướng GACP-WHO phù hợp với địa phương. Đối với cây Hà thủ ô đỏ hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống và trồng; xây dựng được mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Ý dĩ, Bạc hà, Sả chanh góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tư mô hình phát triển trồng cây dược liệu tại hai huyện trên cũng vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới gắn với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững tại các xã vùng cao.
Sau một thời gian triển khai thực hiện dự án (tháng 11/2019 đến 12/2020), dự án đã hoàn thành đúng tiến độ toàn bộ các nội dung và đạt được đầy đủ các sản phẩm theo hợp đồng.
1) Hoàn thiện được 04 quy trình công nghệ nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản dược liệu phù hợp với điều canh tác huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn và huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái:
+ 01 Quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc dược liệu Hà thủ ô đỏ
+ 01 Quy trình nhân giống, trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản dược liệu Ý dĩ
+ 01 Quy trình nhân giống, trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản dược liệu Bạc hà
+ 01 Quy trình trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản dược liệu Sả chanh
2) Xây dựng được 04 mô hình sản xuất giống cây dược liệu
+ Mô hình sản xuất giống dược liệu Hà thủ ô đỏ tại xã Bình Văn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn với quy mô 200 m2 vườn giống, trồng đúng loài Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora), cây sinh trưởng, phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh hại. Tạo ra 10.825 hom giống/năm.
+ Mô hình sản xuất giống dược liệu Ý dĩ tại xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn với quy mô 200 m2 vườn giống, trồng đúng loài Ý dĩ (Coix lacryma – Jobi L.), cây sinh trưởng, phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh hại. Tạo ra 54,4 kg hạt giống.
+ Mô hình sản xuất giống dược liệu Bạc hà tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái với quy mô 200 m2 vườn giống, trồng đúng loài Bạc hà (Mentha arvensis L.), 18 cây sinh trưởng, phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh hại. Tạo ra 10.583 hom giống/năm.
+ Mô hình sản xuất giống Sả chanh tại xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái với quy mô 200 m2 vườn giống, cây mẹ đúng loài Cymbopogon citratus, cây sinh trưởng, phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh hại, tạo ra 20.210 cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn. Hom giống là tép/nhánh tách ra từ gốc cây mẹ, có đường kính từ 1cm trở lên, chiều dài thân hom ≥ 20 cm, tỷ lệ nảy mầm ≥ 90%.
3) Xây dựng 04 mô hình trồng dược liệu thương phẩm:
+ Mô hình trồng dược liệu Hà thủ ô đỏ theo GACP tại xã Bình Văn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn với quy mô 05 ha, trồng đúng loài Fallopia multiflora, cây sinh trưởng, phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh hại.
+ Mô hình trồng dược liệu Ý dĩ theo GACP tại xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn với quy mô 02 ha, trồng đúng loài Coix lacryma - Jobi L., cây sinh trưởng, phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh hại, năng suất bình quân đạt 2,62 tấn khô/ha, sản lượng bình quân 4-5 tấn hạt, chất lượng dược liệu đạt theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam V.
+ Mô hình trồng dược liệu Bạc hà theo GACP tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái với quy mô 02 ha, trồng đúng loài Mentha arvensis L., cây sinh trưởng, phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh hại, năng suất bình quân đạt 24,44 tấn tươi/ha/năm, sản lượng dược liệu Bạc hà đạt 48,88 tấn tươi, chất lượng dược liệu đạt theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam V.
+ Mô hình trồng dược liệu Sả chanh theo GACP tại xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái với quy mô 05 ha, trồng đúng loài Cymbopogon citratus, cây sinh trưởng, phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh hại; Tỷ lệ lá đảm bảo để chưng cất tinh dầu là 95%; Năng suất bình quân đạt: 35,75 tấn tươi/ha, sản lượng dược liệu đạt 178,75 tấn tươi, chất lượng dược liệu đạt theo tiêu chuẩn Dược điển.
4) Xây dựng được một số sản phẩm để đăng ký OCOP:
+ Sản phẩm tinh dầu treo xe: tạo 14.000 lọ tinh dầu
+ Sản phẩm tinh dầu dùng trong spa: loại 10 ml: 7.500 lọ (5.000 lọ bạc hà, 2.500 lọ sả chanh); loại 20 ml: 1.575 lọ (750 lọ bạc hà, 825 lọ sả chanh); loại 30 ml: 834 lọ (500 lọ bạc hà, 334 lọ sả chanh); loại 50 ml: 730 lọ (400 lọ bạc hà, 330 lọ sả chanh); loại 100 ml: 19 420 lọ (200 lọ bạc hà, 220 lọ sả chanh); loại 1.000 ml: 55 lọ (25 lọ bạc hà, 30 lọ sả chanh).
5) Xây dựng hoàn thiện bộ TCCS chất lượng sản phẩm tinh dầu Bạc hà và Sả chanh.
6) Xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu tại vùng triển khai dự án:
+ Mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm Hà thủ ô đỏ, Ý dĩ tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, gồm 2 tổ hợp tác, mỗi tổ từ 43-50 hội viên tham gia, thu nhập của hội viên tham gia mô hình tăng từ 3-5 lần so với trước khi tham gia mô hình.
+ Mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm Bạc hà, Sả chanh tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, gồm 2 tổ hợp tác, mỗi tổ có 50 hội viên tham gia, thu nhập của hội viên tham gia mô hình tăng từ 3-5 lần so với trước khi tham gia mô hình.
7) Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật “Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên” theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
Nhóm đề tài kiến nghị cho phép triển khai giai đoạn tiếp theo của Dự án, mở rộng địa bàn sang các tỉnh khác của khu vực trung du miền núi phía Bắc, phục vụ xây dựng nông thôn mới bền vững ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Khuyến cáo mở rộng kết quả của Dự án ra các địa phương của tỉnh Bắc Kạn và Yên Bái với 04 loại cây dược liệu đã được nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống và sản xuất thâm canh.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19852/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Vista.gov.vn