Xây dựng Chính phủ điện tử: Cần sự tham gia của các tập đoàn công nghệ
Ngày đăng: 29/05/2018 09:13
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 29/05/2018 09:13
Chiều 28/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã đến thăm và làm việc tại Tập đoàn FPT tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhằm thảo luận về các giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Tham gia buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương; nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, VPCP; Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn FPT đã giới thiệu về kinh nghiệm triển khai hiệu quả đề án xây dựng Chính quyền điện tử tại tỉnh Quảng Ninh do Tập đoàn FPT phối hợp thực hiện. Sau 5 năm thực hiện đề án xây dựng Chính phủ điện tử, Quảng Ninh đã tạo được môi trường làm việc liên thông, hiện đại, chuyên nghiệp, tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hiện có 400 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử, trên 3,7 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng; tiết kiệm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính.
Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử của Quảng Ninh sau khi được triển khai đã giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước, cho người dân, doanh nghiệp. Hệ thống triển khai tại Quảng Ninh giúp giảm 40% thời gian và giảm số lần đi lại của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Ninh, việc xây dựng cơ quan chính quyền điện tử tại tỉnh Quảng Ninh làm thay đổi mô hình xử lý, thay đổi lề lối làm việc; giúp cho sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh thông suốt từ tỉnh đến cấp xã.
Theo Tập đoàn FPT, Tập đoàn đã có hơn 20 năm trong triển khai các dự án Chính phủ điện tử tại nhiều địa phương trong cả nước. Với hơn 1.500 chuyên gia trong lĩnh vực công, Tập đoàn FPT đưa ra cam kết sẽ đồng hành và gắn bó lâu dài vì lợi ích chung, hướng tới sự thành công trong triển khai Chính phủ số tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Tập đoàn FPT giới thiệu 3 chuyên gia công nghệ cấp cao, am hiểu về Chính phủ số để biệt phái làm việc với VPCP trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Đại diện Tập đoàn FPT đã giới thiệu về kinh nghiệm triển khai hiệu quả đề án xây dựng Chính quyền điện tử tại tỉnh Quảng Ninh |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chia sẻ niềm vui khi đến thăm Đại học FPT và thăm làng phần mềm FPT tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đặc biệt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá cao các giải pháp công nghệ mà FPT triển khai trong 30 năm qua.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang quyết tâm thực hiện xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hướng tới phục vụ người dân doanh nghiệp tốt hơn. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có giải pháp trong chỉ đạo, điều hành để cải cách thủ tục hành chính và VPCP đang tích cực tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các nội dung này.
Trong đó, Chính phủ đang quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử. Để cụ thể hóa điều này, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Ủy ban do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm Ủy viên Thường trực kiêm Tổng Thư ký. Cơ quan thường trực của Ủy ban đặt tại VPCP.
Theo người đứng đầu VPCP, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đặc biệt cần có sự tham gia của các tập đoàn về công nghệ thông tin để giúp Ủy ban Quốc gia trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.
"Xây dựng Chính phủ điện tử phải có quyết tâm từ người đứng đầu. Cụ thể là người đứng đầu Chính phủ đang rất quyết tâm, điều tiếp theo là cần sự quyết tâm của người đứng đầu ở các địa phương", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá cao sự chủ động của Tập đoàn FPT là đơn vị đầu tiên thí điểm và cung cấp dịch vụ cho các địa phương, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh; đồng thời đánh giá cao cách làm của tỉnh Quảng Ninh trong xây dựng đề án và triển khai Chính phủ điện tử.
Đồng thời đề nghị Tập đoàn FPT tiếp tục hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh trong xây dựng Chính phủ điện tử để đây sẽ là mô hình hiệu quả làm thí điểm triển khai cho cả nước. "VPCP sẽ đồng hành với tỉnh Quảng Ninh trong xây dựng Chính phủ điện tử", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.
Theo Chinhphu.vn