Vượt qua sáu nút thắt để đạt Net Zero
Ngày đăng: 22/04/2025 08:44
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 22/04/2025 08:44
Nếu giải quyết được những vướng mắc trong thị trường carbon, chúng ta có thể tăng tốc quá trình cắt giảm khí thải.
![]() |
Một tàu vận chuyển CO2 thải ra từ các quy trình công nghiệp đến một khu lưu trữ gần Bergen, Na Uy. |
Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) có nghĩa là cân bằng được lượng carbon thải ra với lượng carbon được loại bỏ khỏi khí quyển sao cho tổng lượng carbon trong không khí không tăng thêm. Nhiều quốc gia trên thế giới đang đặt mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050. Nhưng việc chuyển đổi một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào carbon chỉ trong vòng 25 năm, tương đương với vài chu kỳ kinh doanh, là điều vô cùng khó khăn.
Hai nhà nghiên cứu chính sách khí hậu và đầu tư Lucas Joppa và Elizabeth Willmott cho rằng mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) là hoàn toàn hợp lý, nhưng cách chúng ta đang thực hiện lại gặp không ít bất cập. Các quy định hiện nay còn quá cứng nhắc, nhiều nỗ lực đang bị dồn sai hướng, và tiến độ thực hiện thì chậm hơn rất nhiều so với tiềm năng. Dưới đây là sáu nút thắt chính và những giải pháp cụ thể để tháo gỡ:
1. Theo đuổi tiến bộ từng bước thay vì sự hoàn hảo ngay từ đầu
Gần 240 công ty đã bị loại khỏi Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Khoa học (SBTi) của Liên Hợp Quốc vì không đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt - đôi khi chỉ do hiểu nhầm hoặc không nhận ra thời hạn đã cận kề, chứ không phải vì thiếu năng lực. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng. Giải pháp là hãy cho phép các công ty được du di, khuyến khích họ học hỏi và cải thiện thay vì “loại bỏ” hoặc “trừng phạt” ngay khi họ vấp phải những thất bại đầu tiên.
Các công ty cần có sự linh hoạt nếu muốn tham gia vào thị trường carbon. Thời kỳ đầu của năng lượng tái tạo, các công ty đã mua tín chỉ năng lượng để đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo, mặc dù những tín chỉ này không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao như bây giờ. Nhưng họ đã bắt đầu đầu tư, học hỏi và cải tiến. Dần dần, việc mua các chứng chỉ năng lượng tái tạo riêng lẻ được thay thế bằng các phương thức mua bán năng lượng phức tạp hơn, chẳng hạn như thông qua các hợp đồng để khớp với mức tiêu thụ năng lượng theo giờ.
Tương tự như vậy với thị trường carbon, các doanh nghiệp ngày nay đang thúc đẩy các dự án giảm phát thải mới trên cơ sở tự nguyện và họ cần được hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện để có thể kiên trì tiếp.
2. Ưu tiên giảm phát thải trực tiếp hơn gián tiếp
Phát thải được chia thành ba “phạm vi”. Phạm vi một là khí thải trực tiếp của doanh nghiệp (như đốt nhiên liệu lò hơi). Phạm vi 2 là khí thải từ điện mua. Phạm vi 3 là tất cả khí thải trong chuỗi cung ứng và mạng lưới phân phối sản phẩm. Dĩ nhiên, khí thải Phạm vi 3 luôn luôn lớn nhất, thậm chí có thể gấp nhiều lần hai phạm vi trên. Tuy nhiên, nếu mọi công ty giảm phát thải Phạm vi 1 xuống còn 0 thì khí thải Phạm vi 2 và Phạm vi 3 của các công ty khác cũng sẽ biến mất.
Hiện nay, việc tập trung quá nhiều vào báo cáo phát thải Phạm vi 3 (mà khó đo lường và kiểm soát) đang làm các công ty choáng ngợp, mất tập trung vào những phần khí thải họ có thể kiểm soát trực tiếp. Năm 2022, chỉ 7% các công ty tiêu dùng đang trên đường đạt được mục tiêu giảm carbon trong chuỗi giá trị, và chỉ 18% công ty đạt được mục tiêu giảm phát thải trực tiếp. Giải pháp là hãy cho phép các công ty xây dựng động lực bằng cách ưu tiên giải quyết những gì họ có thể khống chế được.
3. Tập trung vào cầu đầu tư hơn là cung sử dụng
Ngày nay, các công ty có thể tuyên bố lợi ích xanh (như sử dụng điện sạch) ngay cả khi năng lượng đó không trực tiếp được cung cấp cho họ. Tuy nhiên, điều này không áp dụng đối với các loại khí thải từ các nguồn khác, như nhiên liệu hay vật liệu. Nghĩa là, người ta có thể nhận tín chỉ cho việc giảm phát thải Phạm vi 2 từ điện năng họ tiêu thụ, tuy nhiên không có cơ chế tương tự cho khí thải Phạm vi 1 và Phạm vi 3.
Giải pháp được đề xuất là mở rộng cách tiếp cận hiện tại: cho phép các công ty mua tín chỉ để bù đắp bất kỳ lượng phát thải nào của mình. Nhờ đó, họ có thể được công nhận là đang hỗ trợ các giải pháp xanh và đầu tư vào công nghệ khí hậu, ngay cả khi các công nghệ này không được triển khai, sử dụng trực tiếp tại cơ sở của họ.
4. Linh hoạt giữa giảm phát thải và loại bỏ carbon
Các quy tắc hiện tại (như SBTi) yêu cầu công ty phải giảm 90% khí thải của mình trước khi được phép sử dụng các công nghệ loại bỏ carbon để bù cho phần còn lại (tối đa 10%). Điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng quá nghiêm ngặt và làm chậm tiến độ.
Giải pháp là hãy cho phép các công ty giảm phát thải và loại bỏ carbon một cách song song. Mỗi lĩnh vực khác nhau sẽ có nhu cầu thực tế khác nhau, và sự linh hoạt có thể giúp mỗi ngành nghề khám phá ra được tỷ lệ kết hợp tốt nhất, tùy theo công nghệ sẵn có. Một số người có thể lo ngại rằng nếu linh hoạt quá, các công ty sẽ né tránh việc giảm phát thải và chỉ tập trung mua giải pháp loại bỏ carbon để đạt phát thải ròng bằng 0. Nhưng thực tế sẽ có nhiều kiểu ứng xử khác nhau. Đồng thời, các công ty cũng cần phải minh bạch về việc họ mua chứng chỉ loại bỏ carbon như thế nào, từ ai, và với quy mô ra sao.
5. Tập trung vào áp dụng, suy nghĩ lại về bù trừ
Trước khi công nghệ loại bỏ carbon trở nên phổ biến, các công ty thường dùng tín chỉ “bù trừ” (offsets) – tức trả tiền cho bên thứ ba để họ ngừng thải khí carbon – nhằm bù đắp lượng khí thải của mình. Tuy nhiên, để tín chỉ này được công nhận, họ phải chứng minh rằng việc ngừng phát thải chỉ xảy ra nhờ khoản tài trợ đó.
Hiện nguyên tắc này cũng đang được áp dụng cho thị trường loại bỏ carbon, nhưng cách áp dụng cứng nhắc lại khiến việc triển khai bị chậm và khó mở rộng. Lý do là vì trả tiền để áp dụng các công nghệ loại bỏ carbon khác hoàn toàn với việc trả tiền để ai đó ngừng gây ô nhiễm. Thay vào đó, các giao dịch loại bỏ carbon nên học hỏi từ cách tiếp cận của Phạm vi 2, vốn phân biệt rõ ràng giữa việc cắt giảm phát thải theo hình thức “bù trừ” và việc giảm phát thải liên quan đến “sử dụng” điện năng (ví dụ, lắp đặt tấm pin Mặt trời tại chỗ, mua điện sạch trên lưới).
6. Thúc đẩy hợp tác thay vì cạnh tranh
Các công nghệ Net Zero thường rất mới và đắt đỏ, khiến một công ty riêng lẻ không đủ khả năng đầu tư lớn. Nhưng nếu hợp tác cùng nhau, các công ty có thể mua sắm được công nghệ xanh bằng những đơn hàng lớn thông qua hình thức mua chung. Điều này không chỉ giúp gom nhu cầu, tăng sức mua mà còn thúc đẩy thị trường, tạo điều kiện cho các bên cung cấp công nghệ phát triển tiếp.
Các liên minh như Clean Energy Buyers Association, First Movers Coalition, Frontier và Symbiosis là ví dụ điển hình về việc hợp tác này. Tuy nhiên, luật cạnh tranh có thể cản trở việc này. Do đó, chính phủ cần phải ban hành những hướng dẫn rõ ràng để hỗ trợ hình thức hợp tác này mà vẫn đảm bảo lợi ích tích cực của cạnh tranh thị trường.
Theo Nature
Bài đăng KH&PT số 1340 (số 16/2025)
Khoahocphattrien