Vụ đông xuân 2023 - 2024: Chủ động ứng phó với khô hạn
Ngày đăng: 02/02/2024 08:00
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/02/2024 08:00
Theo nhận định của các nhà khí tượng thủy văn, trong mùa khô năm 2023 - 2024 ở Tây Nguyên, khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng và có khả năng gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020. Vì vậy, việc chủ động nguồn nước tưới cho các loại cây trồng được các địa phương, chủ công trình thủy lợi tính toán ngay từ đầu vụ.
Người dân xã Cư Mlan (huyện Ea Súp) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cho cây lúa. |
Bảo đảm nguồn nước cho cây lúa
Đến thời điểm này, nông dân huyện Ea Súp đã gieo trồng xong vụ đông xuân 2023 - 2024. Vụ lúa đông xuân được xem là vụ có điều kiện sản xuất thuận lợi nhất trong năm, vì vậy một số giống lúa có chất lượng cao luôn được người dân ưu tiên lựa chọn như: Đài thơm, OM5451, ST25… để xuống giống.
Bà Nguyễn Thị Hồng (thị trấn Ea Súp) cho biết, năm nay gia đình bà sử dụng giống lúa Đài thơm để xuống giống cho 6 sào lúa. Thời tiết đầu vụ cũng thuận lợi, lúa gieo sạ nảy mầm nhanh, hệ thống kênh mương được đầu tư hiện đại, nguồn nước ổn định giúp bà con gieo cấy rất thuận tiện. Những năm gần đây, giá lúa cao nên ai cũng hy vọng vụ đông xuân này sẽ trúng mùa được giá.
Ông Phạm Quốc Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh thủy lợi huyện Ea Súp cho biết, đơn vị hiện quản lý 7 công trình thủy lợi, với tổng diện tích phục vụ sản xuất là trên 8.271 ha.
Theo tính toán sơ bộ, nguồn nước cơ bản đủ cung cấp đảm bảo phục vụ tưới vụ đông xuân. Các hồ chứa do chi nhánh quản lý đã tích đủ nước từ đầu vụ, các kênh mương được khai thông, thuận lợi cho việc dẫn nước sản xuất.
Để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con nông dân trên địa bàn huyện, tuyến kênh chính Đông và kênh chính Tây đã mở nước tưới phục vụ sản xuất từ tháng 12/2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mực nước ở các công trình đang giảm dần. Chi nhánh đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng nước tưới tiết kiệm để bảo đảm nguồn nước phục vụ cho cây lúa đến cuối vụ.
Cũng trong tâm thế sẵn sàng mọi điều kiện để bảo đảm nước tưới cho các loại cây trồng vụ đông xuân, hiện trên 4.000 ha cây trồng ngắn ngày (trong đó có gần 2.000 ha lúa nước) trên địa bàn huyện M’Drắk đã được gieo trồng xong. Toàn huyện có 60 công trình thủy lợi, về cơ bản mực nước các công trình đảm bảo phục vụ sản xuất cho vụ đông xuân 2023 - 2024.
Để chủ động phòng, chống thiên tai, bảo vệ mùa vụ, UBND huyện M’Drắk đã chỉ đạo các chủ công trình triển khai nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; sử dụng hợp lý, tiết kiệm các nguồn nước để phục vụ sản xuất đạt hiệu quả.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các máy bơm để sẵn sàng huy động khi có tình trạng thiếu nước xảy ra; rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi, xây dựng phương án khắc phục, sửa chữa những hư hỏng để đảm bảo an toàn công trình cũng như khả năng tích nước; chú ý quản lý điều tiết nước phục vụ đủ nước tưới ở các giai đoạn lúa đẻ nhánh làm đòng, trổ bông…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ đông xuân 2023 - 2024, dự kiến toàn tỉnh sẽ gieo trồng 57.680 ha các loại cây trồng ngắn ngày, trong đó, lúa nước 40.000 ha. Để đảm bảo thực hiện thắng lợi vụ đông xuân 2023 - 2024, Sở yêu cầu các địa phương chỉ đạo sản xuất theo hướng an toàn và đạt hiệu quả kinh tế trên cơ sở bố trí cơ cấu cây trồng và sử dụng giống thích hợp với thực tế nguồn nước, đất đai nhằm né tránh các điều kiện thời tiết bất thuận và tình trạng khô hạn cuối vụ.
Giảm nguy cơ thiếu hụt nguồn nước
Theo kế hoạch vụ đông xuân 2023 - 2024, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh có nhiệm vụ cung cấp nước cho trên 53.157 ha cây trồng, gồm: gần 25.000 ha lúa, cây công nghiệp trên 26.000 ha, hoa màu 1.975 ha, thủy sản 215 ha.
Để chủ động trong công tác phòng, chống hạn vụ đông xuân thì ngay từ đầu vụ, công ty đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, kiểm tra tình hình nguồn nước, diện tích tưới của từng công trình để lập phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho tất cả các công trình, đặc biệt các công trình có nguy cơ hạn về cuối vụ.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, do lượng mưa tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh thấp (khu vực huyện Krông Pắc có lượng mưa chỉ đạt khoảng 80% so với lượng mưa trung bình nhiều năm, đặc biệt là tại khu vực các xã Vụ Bổn, xã Ea Yiêng), nguồn nước ít nên một số công trình đã không đảm bảo nguồn nước để phục vụ tưới vụ đông xuân 2023 - 2024 và cũng không có nguồn để chống hạn về cuối vụ. Do vậy, công ty đã thống nhất giảm gần 225 ha lúa tại công trình hồ Vụ Bổn (xã Vụ Bổn); không phục vụ tưới tại công trình hồ Ea Nong (xã Vụ Bổn) và công trình hồ Ea Yiêng (xã Ea Yiêng), với tổng diện tích trên 201 ha. Những diện tích này, đơn vị khuyến cáo người dân không gieo sạ từ đầu vụ để tránh thiệt hại về cuối vụ.
Hiện nay, mực nước ở các hồ chứa thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái khá nhiều, trong 251 hồ chứa mà Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh đang quản lý có 140 hồ đạt dung tích thiết kế; 84 hồ dung tích đạt từ 70 – 90%; 20 hồ dung tích đạt từ 50 – 70% và 8 hồ ở mức dưới 50%. Các chi nhánh cũng đã xây dựng phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước vụ đông xuân cho 63 công trình có khả năng bị hạn về cuối vụ, trong đó có 50 hồ chứa, 11 đập dâng, 2 trạm bơm. Diện tích dự kiến phải chống hạn là 3.043 ha cây trồng, gồm: lúa 2.389 ha, cây công nghiệp 617 ha, hoa màu 22 ha, thủy sản 15 ha.
Để đối phó với nguy cơ khô hạn trong mùa khô năm nay, bên cạnh các giải pháp công trình, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc quy hoạch về diện tích, loại cây trồng ở mỗi vùng; nêu cao ý thức tiết kiệm, san sẻ cùng cộng đồng trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước. Các địa phương cần theo dõi sát các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến thời tiết thủy văn và nguy cơ khô hạn, thiếu nước trong từng thời kỳ để có những định hướng chỉ đạo sản xuất phù hợp và phòng, chống hạn hiệu quả.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, dự báo mùa khô năm nay Tây Nguyên sẽ đối mặt với tình trạng hạn hán gay gắt. Trong tháng 2 và 4/2024, khả năng có mưa rào và giông, nhưng lượng mưa chưa nhiều, đồng thời nắng nóng xảy ra ở nhiều nơi. Tổng lượng dòng chảy trên các sông, suối ở Tây Nguyên trong toàn mùa cạn 2023 - 2024 sẽ thiếu hụt khoảng từ 10 – 50% so với trung bình nhiều năm, có thể gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước tưới cho cả khu vực Tây Nguyên. |
Báo Đắk Lắk