Vốn cho tái canh cà phê: Vẫn chưa hết vướng
Ngày đăng: 04/04/2017 08:50
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/04/2017 08:50
Chương trình cho vay tái canh cà phê đã triển khai thực hiện được hơn 2 năm nay, nhưng số lượng khách hàng tiếp cận được với chương trình này còn rất hạn chế do gặp nhiều vướng mắc. Mặc dù đã có nhiều cuộc họp, hội thảo từ các ngành liên quan đến vấn đề này nhưng đến hiện tại vẫn chưa thể gỡ hết vướng…
Tái canh cà phê bằng phương pháp cưa ghép cải tạo ở huyện Cư M’gar. |
Theo Đề án tái canh cà phê các tỉnh Tây Nguyên, trong giai đoạn 2014-2020, diện tích cần tái canh là 120.000 ha, trong đó trồng mới 90.000 ha, ghép cải tạo 30.000 ha. Tính đến cuối năm 2016, các tỉnh đã tái canh được 78.218 ha, đạt trên 65% kế hoạch. Riêng đối với Đắk Lắk, xác định diện tích cần tái canh đến năm 2020 là 32.335 ha, bình quân mỗi năm có khoảng 4.000 ha cần tái canh, từ năm 2011-2016, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện được 18.520 ha, trong đó, năm 2016 tái canh được 3.640/5.715 ha, đạt 63,7% kế hoạch của năm. Kế hoạch tái canh đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhất là công tác nghiên cứu, lai tạo, tuyển chọn nhiều loại giống cà phê mới, đạt năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, từ năm 2012-2016, tỉnh được Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam hỗ trợ 7.655 kg hạt giống cà phê lai TRS1 và 110.400 cây giống; thông qua chương trình hợp tác công tư, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã hỗ trợ 50% về chi phí cây giống cho bà con nông dân. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh xây dựng 10 ha vườn sản xuất hạt giống cà phê vối TRS1, mỗi năm cung cấp 20 tấn hạt giống; có 4 vườn nhân chồi mỗi năm cung cấp 4 triệu chồi ghép. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn tại Hội thảo Phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế vừa được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột hồi giữa tháng 3-2017, Đề án tái canh cà phê bước đầu đã mang lại những kết quả đáng mừng, ở nhiều địa phương vườn cây đã được cải thiện về năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, việc làm thể nào để nông dân tiếp cận được với nguồn vốn tái canh dễ dàng vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2016, các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nguyên có 6.302 khách hàng được vay vốn tái canh cà phê, với tổng dư nợ đạt 745 tỷ đồng, chiếm 4,8% tổng dư nợ cho vay cà phê khu vực Tây Nguyên, trong đó, Đắk Lắk có 104 khách hàng, với tổng dư nợ là 70,1 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến ít khách hàng tham gia chương trình này là vì phía ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc định giá tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản trên đất là vườn cây lâu năm do người dân chưa được cấp quyền sở hữu đối với tài sản này. Mặt khác, trên thực tế khách hàng có nhu cầu vay vốn tái canh cà phê đều yêu cầu giải ngân hết một lần số tiền vay chứ không chấp nhận giải ngân theo tiến độ thực hiện kế hoạch tái canh. Đây là một khó khăn lớn trong việc cấp tín dụng tái canh cà phê đối với những khách hàng có nhu cầu vay trên 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, phương án kinh doanh của khách hàng chưa thật sự khả thi và việc cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích tái canh cà phê cũng là một trở ngại lớn đối với các hộ nông dân… Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết, qua 5 năm triển khai tái canh cà phê thì kinh phí để hỗ trợ còn khiêm tốn, chỉ mới hỗ trợ hạt giống và cây giống. Trong khi đó, Chương trình cho vay tái canh cà phê lại chưa thật sự hấp dẫn nông dân do hạn mức vay thấp (tối đa là 150 triệu đồng/ha đối với phương pháp trồng tái canh cà phê và 80 triệu đồng/ha đối với phương pháp ghép cải tạo cà phê), lại giải ngân vốn theo tiến độ triển khai nên không đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư cho vườn cây. Đặc biết, một khó khăn mới nữa là hiện nay, giá một số sản phẩm hồ tiêu, bơ, sầu riêng… ở mức cao nên nông dân không muốn tái canh mà có khuynh hướng trồng xen và cải tạo dần. Việc nông dân áp dụng hình thức tái canh từng phần (cuốn chiếu) cũng là trở ngại cho việc thẩm định cho vay của ngân hàng vì Bộ NN-PTNT chưa có hướng dẫn quy trình kỹ thuật đối với tái canh xen kẽ vườn cà phê hoặc tái canh cuốn chiếu, trong khi người dân hiện đang chủ yếu tái canh theo hình thức này.
Trước thực trạng trên, phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất để khách hàng đủ điều kiện tham gia chương trình vay vốn tái canh; Chính phủ xem xét, phê duyệt hỗ trợ 50% lãi suất cho khách hàng trong thời gian ân hạn, đồng thời nâng mức đầu tư cấp tín dụng lên cao hơn, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng vay tái canh cà phê từ 180-200 triệu đồng/ha; và Bộ NN-PTNT cần tiến hành điều chỉnh lại quy trình tái canh cho phù hợp với thực tế.
Để khơi thông những vướng mắc về nguồn vốn tái canh, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng Dự án VnSAT, trong đó có nội dung liên quan đến hỗ trợ tái canh cà phê. Theo đó, dự án có gói tín dụng khoảng 50 triệu USD để hỗ trợ tái canh khoảng 10.000 ha cà phê, với khoảng 9.000 hộ tham gia. Khoản tín dụng này giao cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai thực hiện, với giá trị khoản vay cho tái canh 1 ha cà phê tối đa tới 400 triệu đồng. |
Theo Báo Đắk Lắk