Việt Nam tiếp nhận thiết bị bảo quản lạnh bằng điện từ trường
Ngày đăng: 13/10/2021 09:16
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/10/2021 09:16
Thiết bị bảo quản lạnh bằng điện từ trường giúp giữ thực phẩm tươi lâu hơn gấp 5 lần được Nhật Bản ký chuyển giao cho Việt Nam chiều 12/10.
Lễ ký chuyển giao thiết bị được thực hiện trực tuyến. |
Lễ ký thỏa thuận tài trợ của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) và Chính phủ Nhật Bản được thực hiện trực tuyến với sự chứng kiến của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Theo đó, thông qua APO, Nhật Bản sẽ tài trợ bốn thiết bị bảo quản lạnh gồm hai container bảo quản lạnh Kuraban 20ft, một container bảo quản lạnh 40ft và một thiết bị làm đá bào từ nước mặn Sea Snow. Các thiết bị này được chuyển giao cho tỉnh Phú Yên phục vụ bảo quản nông, thủy sản. Tổng vốn của dự án tài trợ là 57 triệu yên, tương đương 11 tỷ đồng.
Chuỗi giữ lạnh tối ưu sử dụng công nghệ của Nhật Bản mang lại giá trị gia tăng cho nông, thuỷ sản tươi sống. Nhật Bản cũng sẽ cung cấp tư vấn, đào tạo tại các mô hình điểm được chọn.
Ông AKP Mochtan, Tổng Thư ký, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) cho biết đây là hai thiết bị bảo quản lạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, độc đáo do các doanh nghiệp của Nhật Bản sản xuất. Mô hình bảo quản này cung cấp thực phẩm tươi sống, thời gian bảo quản thực phẩm tăng từ 3-10 lần so với phương pháp bảo quản lạnh thông thường. Ông AKP Mochtan hy vọng thiết bị sẽ đem lại lợi ích cho người dân Phú Yên.
Đánh giá cao tài trợ từ Nhật Bản, Tổ chức APO, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt kỳ vọng dự án sẽ giúp các đặc sản nổi tiếng của Phú Yên như cá ngừ đại dương, sò huyết đầm Ô Loan, tôm hùm Bông, ghẹ sông Cầu, cá Mương sông Ngân Sơn đến với người dân cả nước và vươn ra thế giới. "Đây là món quà công nghệ thực sự ý nghĩa cho ngành thủy sản và kinh tế biển vốn là tiềm năng và thế mạnh của Phú Yên", Bộ trưởng nói.
Ông cũng hy vọng, APO và Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục lựa chọn Phú Yên là mảnh đất tiềm năng để ươm những hạt mầm năng suất xanh thông qua các dự án hỗ trợ phát triển về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND Tỉnh Phú Yên cho biết, hơn một năm qua, các sản phẩm nông thuỷ sản địa phương gặp nhiều thách thức. Chuỗi cung ứng thuỷ sản bị đình trệ vì các biện pháp giãn cách và nhu cầu thị trường thế giới giảm sút. Việc nghiên cứu khoa học công nghệ khó khăn do dịch Covid-19. Gói kỹ thuật hỗ trợ của APO là sự giúp đỡ để hiện đại hoá khai thác thuỷ sản, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng thuỷ sản của Phú Yên.
Ông Takio Yamada Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, chương trình tài trợ này dành cho 3 nước Việt Nam, Campuchia và Indonesia theo chương trình hợp tác kỹ thuật của APO. "Tôi hy vọng dự án hôm nay sẽ dóng góp giải quyết các vấn đề của Phú Yên trong bảo quản sau thu hoạch, đồng thời đào tạo tại chỗ về công nghệ", ông nói và cho biết mục đích không chỉ phục hồi ngành thủy sản của Phú Yên sau đại dịch Covid-19 mà hướng tới các tỉnh thành khác của Việt Nam.
Hiện các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến sản phẩm cá ngừ đại dương của Phú Yên. Vì vậy ông Takio Yamada hy vọng công nghệ sẽ giúp đưa sản phẩm cá ngừ tươi ngon của Việt Nam ra thế giới nhiều hơn nữa. "Dự án tài trợ này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Nhật Bản", ông Takio Yamada nói.
Trước đó, tại phiên họp thứ 62 của Ban chấp hành APO tổ chức ngày 8/6/2020, Giám đốc APO đã thông báo Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp một khoản tài trợ đặc biệt theo chương trình hợp tác kỹ thuật thông qua APO và các tổ chức năng suất quốc gia.
Cụ thể, chương trình hỗ trợ khắc phục hậu quả do Covid-19 gây ra đối với chuỗi cung ứng thực phẩm dành cho Việt Nam, Campuchia và Indonesia. Đây là chương trình hỗ trợ kỹ thuật đầu tiên của APO về thiết bị và tư vấn đào tạo trong lĩnh vực bảo quản thực phẩm, nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên được lựa chọn khắc phục hậu quả do Covid-19 gây ra.
Theo Vnexpress