Việt Nam thuộc tốp đầu ASEAN về số lượng tiêu chuẩn quốc gia
Ngày đăng: 11/01/2021 09:03
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/01/2021 09:03
Báo cáo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã xây dựng được 3.973 tiêu chuẩn quốc gia, khoảng 88% trong số đó hài hòa quốc tế. Riêng trong năm 2020, có gần 900 TCVN được ban hành với tỷ lệ hài hòa quốc tế đạt hơn 90%.
Trong thời kỳ diễn ra đại dịch Covid-19, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã mở toàn bộ kho dữ liệu về tiêu chuẩn trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế, khẩu trang… cho các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng. |
Như vậy, tính đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia có khoảng 13.000 TCVN với mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60%.
“Số tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam đứng tốp đầu ASEAN,” TS. Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 chiều 8/1. Hội nghị do Thứ trưởng Lê Xuân Định và Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh điều hành.
Xây dựng tiêu chuẩn là một công việc hệ trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia. Theo báo cáo nghiên cứu của Tổ chức Phát triển Công nghiệp LHQ (UNIDO) năm 2018, 80% giá trị giao dịch thương mại quốc tế chịu sự tác động của tiêu chuẩn và 84% doanh nghiệp thương mại trên thế giới sử dụng tiêu chuẩn trong các chiến lược hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Đặc biệt, trong năm 2020, Tổng cục đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 bằng cách cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và khu vực trong lĩnh vực trang thiết bị y tế như găng tay, khẩu trang, thiết bị bảo hộ, máy thở... cho các doanh nghiệp sản xuất phục vụ chống dịch và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, báo cáo của Tổng cục còn cho biết, hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, chứng nhận, giám định, kiểm định, công nhận) được áp dụng rộng rãi trong các cơ chế quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. “Số lượng tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam cũng đứng trong top 3 ASEAN,” ông Linh nói. Tính đến nay, gần 1.200 tổ chức đã đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp tại Bộ KH&CN.
Một kết quả nổi bật khác của hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong giai đoạn 2016-2020 là việc chuyển mạnh sang áp dụng biện pháp hậu kiểm, nâng cao khả năng tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp đối với chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Với biện pháp này, giai đoạn 2017 - 2020, gần 280.000 lô hàng nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN được chuyển sang cơ chế hậu kiểm, giúp tiết kiệm khoảng 3.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp (bao gồm chi phí lưu kho, bãi; chi phí cho người đi làm thủ tục nhập khẩu). Riêng năm 2020, con số này là hơn 832 tỷ đồng. Thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu cũng rút xuống chỉ còn tối đa 1 ngày.
Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Tổng cục đã nghiên cứu, lựa chọn, phổ biến, hướng dẫn áp dụng trên 30 loại hệ thống quản lý/ mô hình/công cụ cải tiến năng suất, chất lượng vào hơn 50.000 doanh nghiệp với các mức độ khác nhau.
Về nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật, gần 70 nghị định, thông tư, quyết định đã được xây dựng trong giai đoạn 2016-2020, tương đồng với thông lệ quốc tế và giải quyết được các bất cập của Việt Nam trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Đến dự và phát biểu với Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt “gửi gắm” đến Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó có:
Thứ nhất, đối với nhiệm vụ hoàn thiện thể chế pháp luật, cần tập trung trí tuệ và sức lực để sao cho các luật luật ban hành ra - trước mắt là việc sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa - có thể áp dụng tốt nhất, thuận lợi nhất và không phải sửa đi sửa lại.
Thứ hai, triển khai hiệu quả các đề án, chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Đề án Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chương trình quốc gia Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030.
Thứ ba, tập trung xây dựng và triển khai phương án cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh và thủ tục hành chính về tiêu chuẩn đo lường chất lượng giai đoạn 2021-2025.
Thứ tư, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN hướng dẫn hoạt động của hệ thống các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trên cả nước, đảm bảo quản lý nhà nước trong lĩnh vực này từ trung ương đến địa phương.
Theo Khoahocphattrien