Việt Nam tạo hợp kim titan y sinh dùng trong phẫu thuật chỉnh hình
Ngày đăng: 25/10/2021 09:27
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/10/2021 09:27
Sản phẩm sử dụng trong y tế giúp giảm chi phí phẫu thuật cho người Việt là một trong số kết quả nghiên cứu của chương trình quốc gia về vật liệu mới.
Chất dập lửa Khladon-14B2.VN được trưng bày tại buổi tổng kết. |
Ngày 23/10, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới" (KC.02) tổng kết các nhiệm vụ sau 5 năm nghiên cứu. Từ các nhiệm vụ nghiên cứu trong chương trình, đã có nhiều vật liệu mới được tạo ra, triển vọng ứng dụng thực tiễn.
Trong số này, nhóm của TS Nguyễn Tiến Tài đã chế tạo thành công hợp kim titan y sinh Ti-6Al-7Nb, Ti-5Al-2,5Fe bằng lò cảm ứng chân không VIM02. Sản phẩm có thể ứng dụng trong phẫu thuật chỉnh hình như nẹp xương, làm hàm, trồng răng, cấy vít, làm van tim, đặt sten thông mạch máu... Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên động vật và phối hợp với bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thử nghiệm lâm sàng trên 30 bệnh nhân trong 180 ngày. Theo nhóm nghiên cứu, ứng dụng kết quả này giúp chủ động vật tư y tế trong nước và người bệnh sẽ giảm chi phí hơn.
Ở nhóm vật liệu nhiên liệu rắn - vật liệu an ninh quốc phòng, TS Đào Duy Việt, Viện công nghệ, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đưa ra thiết kế, chế tạo một số vật liệu, ứng dụng trong chế tạo bom phản lực chống ngầm theo mẫu RGB-25, góp phần tạo ra một sản phẩm vũ khí có uy lực, nâng cao tiềm lực quốc phòng, tiết kiệm chi phí đầu tư so với mua vũ khí nước ngoài.
GS.TS Nguyễn Việt Bắc, Chủ nhiệm chương trình cho biết, sau hơn 5 năm, các nhiệm vụ thuộc KC.02 nghiệm thu xong 23/24 nhiệm vụ, 1 nhiệm vụ còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 10 năm nay. Chương trình có 24 sản phẩm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo ra 135 giải pháp công nghệ có tính ứng dụng thực tiễn. Đặc biệt, có 76 vật liệu mới tạo ra, trong đó 15 vật liệu mới đã hoàn thành. "Các sản phẩm của Chương trình đều có trình độ khoa học cao, ứng dụng thực tế", GS Bắc nói và cho biết, có 430 sản phẩm các loại vật liệu, sản phẩm thành phẩm, dây chuyền công nghệ đã hoàn thành. Hàng trăm sản phẩm thuộc dạng quy trình công nghệ, thiết kế, mô hình ứng dụng.Đánh giá cao các kết quả đạt được, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhận xét, KC.02 là chương trình mang nội hàm có tính thực tiễn cao. Ông đánh giá cao những nỗ lực các nhóm nghiên cứu đã tạo ra các sáng chế được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và hình thành được hai doanh nghiệp khoa học công nghệ, khẳng định công nghệ và trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Thứ trưởng Tùng cho rằng, giai đoạn tới cần nhìn "trúng" vấn đề, đặt ra các đầu bài, và cơ chế quản lý định hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
GS.TS Nguyễn Việt Bắc, Chủ nhiệm chương trình KC.02 giai đoạn 2016-2020 báo cáo kết quả. |
Ngoài đề xuất từ các nhà khoa học, Thứ trưởng cũng gợi ý cần có ý kiến từ phía doanh nghiệp, tập đoàn, công ty, các ngành trong lĩnh vực để giải các bài toán cần đặt ra từ thực tế. Bên cạnh các nhiệm vụ nghiên cứu, các nhà khoa học cần phải tính toán được bài toán hiệu quả kinh tế để thu hút doanh nghiệp đầu tư, tham gia cùng. Ông cho biết, để tạo hướng đi và có đầu bài tốt cho giai đoạn tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tái cơ cấu với nội hàm và hướng giải quyết, quản lý rà soát chương trình, để các nhà khoa học được tạo điều kiện thuận lợi, yên tâm nghiên cứu, sống được bằng nghề của mình.
TS Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, giai đoạn này các nhiệm vụ hướng tới ứng dụng nhiều hơn, các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn. Ngoài kinh phí ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực khác từ doanh nghiệp đã có sự xấp xỉ nhau, đây là sự tiến bộ so với các giai đoạn trước đây.
Tuy nhiên ông chỉ ra hai tồn tại lớn với công nghệ vật liệu, trong đó chưa có nhiều nhiệm vụ có quy mô đủ lớn để tạo ra hiệu ứng và việc ứng dụng kết quả vẫn khó khăn, sản phẩm tạo ra chưa đủ tạo sức thuyết phục với doanh nghiệp. Ông cho rằng nguyên nhân đến từ các nhà khoa học chưa gắn với thực tiễn, khó đưa vào ứng dụng.
Trong giai đoạn 2021-2025, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng khung chương trình, ông Hậu đề xuất với các công trình khoa học ứng dụng cần nâng thời gian nhiệm vụ lên khung 10 năm, bởi cho rằng các vấn đề liên quan đến vật liệu cũng cần phải từ 5-10 năm mới ra được sản phẩm.
"Chúng tôi sắp xếp các chủng loại vật liệu có tiềm năng, hướng tới phát triển doanh nghiệp có nhu cầu, phát triển vật liệu thân thiện với môi trường, giải quyết bài toán cấp thiết đối với xã hội", ông Hậu nói và dẫn về vật liệu như lõi khẩu trang kháng khuẩn, máy tạo oxy trong đại dịch.
Theo Vnexpress