Việt Nam sẽ thúc đẩy kiểm soát ô nhiễm thủy ngân
Ngày đăng: 24/09/2014 19:51
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 24/09/2014 19:51
Đó là khẳng định của PGS-TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT khi ông chủ trì hội thảo “Xây dựng mạng lưới thí điểm quan trắc thủy ngân trong không khí khu vực châu Á - Thái Bình Dương” vừa diễn ra giữa tháng 9 tại Hà Nội. Hội thảo do Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT phối hợp với Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, Chương trình Lắng đọng khí quyển quốc gia Hoa Kỳ, Cục Bảo vệ môi trường Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức.
Nguy hiểm thấy rõ
Thủy ngân (Hg) là một nguyên tố kim loại dạng lỏng, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong khối lượng vỏ trái đất, nhưng trong thực tế, thủy ngân được sử dụng khá rộng rãi trong sản xuất và tiêu dùng, như nhiệt kế, thiết bị điện - điện tử, thuốc bảo vệ thực vật, diệt cỏ, diệt côn trùng, trong y học như làm thuốc, tách vàng từ quặng… Vì vậy, thủy ngân có thể phát thải vào môi trường từ các nguồn tự nhiên hoặc do con người tạo ra một cách trực tiếp hay gián tiếp. Thống kê sơ bộ hiện nay trên toàn thế giới, lượng thủy ngân phát thải hàng năm khoảng 7.000 tấn, trong đó hơn 2.000 tấn là từ các nguồn nhân tạo trực tiếp thải ra.
Thủy ngân được thải ra môi trường sẽ làm ô nhiễm không khí, đất và xâm nhập vào nguồn nước. Trong môi trường nước, đặc biệt là nước biển, thủy ngân từ dạng vô cơ ít độc hơn sẽ bị chuyển hóa thành dạng thủy ngân hữu cơ (methyl thủy ngân) rất độc hại. Cũng như các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), thủy ngân cũng có tính chất lan truyền rộng và tích lũy sinh học theo chuỗi thức ăn, và vì vậy, rất nguy hiểm ngay cả khi phát thải ở nồng độ thấp.
Thủy ngân tồn tại nhiều trong thiết bị điện. |
Khi xâm nhập vào cơ thể con người, thủy ngân sẽ liên kết với những phân tử nucleotit trong cấu trúc protein làm biến đổi cấu trúc và ức chế hoạt tính sinh học của tế bào. Sự nhiễm độc thủy ngân có thể gây nên những thương tổn cho trung tâm thần kinh với các triệu chứng như run rẩy, khó khăn trong diễn đạt và giảm sút trí nhớ, nặng hơn là gây tê liệt, nghễnh ngãng, nói lắp, tổn thương não, gan… và thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Những phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh còn bú mẹ và các trẻ nhỏ dễ bị nguy hiểm nhất, bởi vì một lượng lớn thủy ngân có thể gây hại cho não bộ đang phát triển.
Theo PGS-TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, hiện nước ta đang đối mặt với vấn đề tồn tại thủy ngân trong không khí, không chỉ từ các nguồn ô nhiễm trong nước mà còn từ các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới. “Điều này gây ra những khó khăn, thách thức trong công tác giám sát và kiểm soát ô nhiễm thủy ngân do sự hạn chế về phương pháp, cách thức và kỹ thuật quan trắc thủy ngân cũng như sự phối hợp trong kiểm soát ô nhiễm giữa các quốc gia” - PGS-TS Hoàng Dương Tùng nói.
Sẽ đẩy lùi phát tán thủy ngân
Để hạn chế tình trạng này, Việt Nam đã tham gia Công ước Minamata về thủy ngân vào tháng 10-2013. Hoạt động quan trắc môi trường tại Việt Nam được thiết lập và duy trì từ năm 1994 đến nay. Việt Nam đã triển khai kết hợp trong các chương trình quan trắc thường xuyên, định kỳ, các hoạt động quan trắc chuyên sâu nhằm đánh giá, kiểm soát sự phát tán và vận chuyển thủy ngân trong môi trường.
Kết quả điều tra ban đầu của Tổng cục Môi trường đã cho thấy, khối lượng thủy ngân phát thải rất đáng để các nhà quản lý, nhà khoa học phải lưu tâm. Tuy nhiên, đến nay kết quả quan trắc ô nhiễm đối với thủy ngân tại Việt Nam mới phát hiện một số điểm ô nhiễm nhỏ, cục bộ. Tổng cục Môi trường đang tiếp tục thực hiện các hoạt động quan trắc, giám sát môi trường với quy mô rộng lớn hơn, phối hợp với Cục Môi trường Hoa Kỳ và một số tổ chức quốc tế khác.
Bên cạnh đó, ý thức được rủi ro môi trường và yêu cầu cần kiểm soát chặt chẽ thủy ngân, từ năm 2008, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kết hợp với Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và các chuyên gia môi trường cùng thực hiện các hoạt động về khảo sát, quan trắc, phân tích và đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường của thủy ngân. Bộ Công thương, Bộ Y tế cũng đã thực hiện nhiều hoạt động về quản lý thủy ngân.
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến, với rủi ro đối với môi trường và sức khỏe cao như vậy, quản lý an toàn thủy ngân là trách nhiệm chung của cả các cơ quan quản lý, tổ chức và cá nhân liên quan. “Bộ TN-MT đang thực hiện các hoạt động mở rộng về quan trắc và đánh giá ô nhiễm thủy ngân, bổ sung và sửa đổi một số tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường và tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát thực hiện. Đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, xử lý chất thải, song song với việc nâng cao nhận thức, các chế tài áp dụng sẽ mạnh hơn. Đối với người dân, các biện pháp truyền thông và quản lý rủi ro sẽ được áp dụng phổ biến hơn. Mặt khác, chúng tôi luôn ý thức được rằng việc phát triển bền vững phải cân bằng được giữa 3 yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường”, ông Tuyến nói.
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến khẳng định: Tất cả các hành động trên cho thấy Việt Nam quan tâm, chú trọng tới vấn đề ô nhiễm thủy ngân, trong đó có các hoạt động quan trắc, kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu sử dụng và phát thải thủy ngân. Việt Nam cũng sẽ có thêm công cụ pháp lý để giám sát, kiểm soát vấn đề ô nhiễm thủy ngân. Qua các ý kiến, tham luận của các nhà khoa học tại hội thảo, tôi đề nghị Tổng cục Môi trường tổng hợp và tiếp tục duy trì các hoạt động nhằm tăng cường trao đổi thông tin, nâng cao các kiến thức về các vấn đề khoa học liên quan tới thủy ngân tới các đơn vị trong hệ thống quan trắc môi trường trong nước, các quốc gia tham gia mạng lưới quan trắc thủy ngân khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy công tác kiểm soát ô nhiễm thủy ngân và thực thi công ước Minamata đầy đủ, hiệu quả.
Từ cuối những năm 1970, các nhà nghiên cứu môi trường đã phát hiện hoạt động khai thác mỏ bùng nổ tại một số nước xung quanh khu vực sông Amazon gây ra tình trạng ô nhiễm thủy ngân trên lưu vực con sông này và các thủy vực xung quanh. Đến nay, ô nhiễm thủy ngân đã trở thành một vấn nạn mang tính toàn cầu. Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc cho thấy các hoạt động của con người đã làm tăng hàm lượng thủy ngân trong khí quyển lên 3 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp và nhận định rằng thủy ngân có thể gây nên thảm họa môi trường đối với nhân loại nếu không có các chương trình quản lý và kiểm soát ô nhiễm thích hợp. |
Theo SGGP