Việt Nam sản xuất vắc – xin công nghệ cập nhật quốc tế
Ngày đăng: 15/06/2014 20:24
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/06/2014 20:24
Việt Nam là nước thứ 2 tại châu Á và là 1 trong 4 nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc-xin Rota với công nghệ cập nhật quốc tế.
Đây là kết quả của công trình khoa học cấp Nhà nước mang mã số KC.10.03/06-10 do PGS.TS Lê Thị Luân - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vacxin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) làm chủ nhiệm. Đề tài nghiên cứu sản xuất vacxin phòng bệnh rotavirut ở trẻ em này cũng đã vinh dự nhận được Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013.
Kỳ tích…
Công trình khoa học cấp Nhà nước về “Đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc-xin Rotavin-M1 sống giảm độc lực phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em Việt Nam” này bắt đầu được nghiên cứu cách đây 18 năm. Trong hành trình đó đã có không ít những niềm vui của sự thành công bước đầu và cả những giọt nước mắt thất bại, những tâm trạng bất an, lo lắng.
PGS.TS Lê Thị Luân (thứ 2 từ trái sang) - vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2013 |
PGS.TS Luân nhớ lại: “Năm 1998, khi đó tôi vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cũng là thời điểm mà các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có chương trình giám sát bệnh mùa đông tại Việt Nam. Năm đó, ở Việt Nam, rất nhiều trẻ em nhập viện do nhiễm virut Rota gây tiêu chảy. Tuy nhiên, do việc dùng kháng sinh để điều trị không có kết quả nên các chuyên gia của WHO đã đưa Việt Nam vào một trong những nước thành viên giám sát virut trong 3 năm. May mắn, tôi được lãnh đạo Trung tâm tin tưởng chọn tham gia. Họ đề nghị các chuyên gia đưa ra ý tưởng làm thế nào để có vacxin ngừa tiêu chảy tốt nhất. Đây cũng là lý do tôi đề xuất đề tài nghiên cứu vắc - xin Rota phòng tiêu chảy cho trẻ em”.
Sản phẩm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên tại Việt Nam đã chủ động tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vắc- xin cập nhật quốc tế mà không cần phải đợi chuyển giao công nghệ và nhập ngoại. Công trình đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích với tên sáng chế: “Qui trình tạo chủng giống gốc virut Rota giảm độc lực để sản xuất vắc - xin ngừa bệnh tiêu chảy cấp”.
Kết quả thử nghiệm đã chứng minh vắc - xin Rota sản xuất tại Việt Nam có tính an toàn và đáp ứng miễn dịch tốt trên trẻ 6- 12 tuần tuổi với 2 liều cách nhau 2 tháng. Với kết quả nghiên cứu này vắc - xin Rotavin-M1 đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và đã được sản xuất, đưa ra thị trường cho trẻ uống từ tháng 8/2012. Trong quá trình sử dụng chưa có trường hợp nào gặp vấn đề bất thường về an toàn vắc - xin.
Chất lượng ngoại, giá nội
Kết quả trên của PGS.TS Lê Thị Luân được ứng dụng thành công trong thực tế đã đem lại niềm vui cho trẻ em và tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho Việt Nam. Cụ thể làm giảm 5.300 đến 6.800 ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ và giảm 122.000 đến 140.000 lần trẻ phải nhập viện do virut Rota. Như vậy đã tiết kiệm được 5,3 triệu đô la Mỹ, trong đó 3,1 triệu cho chí phí trực tiếp, 685.000 cho chi phí không thuộc lĩnh vực y tế và 1,5 triệu USD cho chi phí gián tiếp để điều trị bệnh tiêu chảy do virut Rota ở nước ta.
Theo các chuyên gia y tế, công trình này sẽ giúp giảm gần 7.000 ca tử vong mỗi năm ở trẻ dưới 5 tuổi và giảm khoảng 140.000 lần trẻ phải nhập viện do virut gây tiêu chảy Rotavin.
Hiện nay, song hành cùng vắc xin ngừa tiêu chảy do virut Rotavin của Việt Nam còn có vắc - xin của Bỉ và Mỹ (được cấp phép năm 2005 và 2007). Tuy nhiên, giá thành của vắc - xin do PGS Lê Thị Luân và cộng sự chế xuất chỉ bằng 1/3 giá thành của 2 vắc - xin trên nhưng chất lượng tương đương nhau. Vắc - xin Rota có giá thành rẻ hơn là do được sản xuất hoàn toàn trong nước và không phải nhập nguyên liệu đầu vào. PGS.TS Lê Thị Luân cũng đưa ra lời khuyên: “Nói chung tâm lý của người Việt là hướng ngoại, ưa dùng vắc - xin ngoại. Tuy nhiên cần biết rằng, đã là vắc - xin thì phải đạt tiêu chuẩn của WHO. Đây cũng là kim chỉ nam cho tất cả các nhà sản xuất. Phải nói rằng, vắc - xin nội hay ngoại không có gì khác nhau cả, có khác chỉ là nhãn hiệu”.
Bà cũng tự hào cho biết: Hiện tại chúng tôi tiếp tục nghiên cứu vắc - xin bại liệt. Đến nay, vắc - xin bại liệt đã được thử qua giai đoạn tiền lâm sàng, chuẩn bị lâm sàng thành công sẽ đưa lên người. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghiên cứu vắc - xin tay chân miệng. Hy vọng, trong tương lai không xa, sẽ có thêm nhiều sản phẩm vắc - xin “Made in Vietnam” ra đời, bảo đảm sự sống cho hàng triệu trẻ em.
Theo Báo Đất Việt