Việt Nam làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép tế bào gốc
Ngày đăng: 17/05/2016 08:31
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/05/2016 08:31
Theo TS Bạch Quốc Khánh – Phó viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, ghép tế bào gốc đang thực sự trở thành một phương pháp điều trị đầy triển vọng cho bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học.
Một bệnh nhân 64 tuổi mắc bệnh đa u tủy xương được chỉ định ghép tế bào gốc |
TS Bạch Quốc Khánh cho biết, sau 10 năm thực hiện ca ghép tế bào gốc đầu tiên, đến nay Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật này và rất nhiều bệnh nhân đã được hồi sinh nhờ ghép tế bào gốc.
Cụ thể, từ tháng 11/2006, ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên đã được thực hiện thành công tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương và đến thời điểm hiện tại, số ca được thực hiện thành công lên đến 204 trường hợp.
Đặc biệt, ghép tế bào gốc cho các nhóm bệnh đa u tủy xương, u lympho ác tính đã trở thành phương pháp thường niên của Viện, với tỉ lệ sống đối với các ca luôn ở mức cao.
Trao đổi với phóng viên, bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh Hương (Bắc Giang), một trong số hơn 200 bệnh nhân đã được cứu sống từ phương pháp ghép tế bào gốc cho biết, sau một lần bị sốt cao kéo dài không rõ nguyên nhân, chị đi khám và được chẩn đoán mắc ung thư máu. Sau khi điều trị bệnh gần một năm, chị được chỉ định ghép tế bào gốc từ nguồn tế bào gốc được lấy từ chị ruột. "Đến thời điểm này, hơn 2 năm từ sau khi diễn ra ca ghép, tôi đã trở lại khỏe mạnh, tự tin với công việc và cuộc sống của mình”, chị Hương chia sẻ.
Hiện Viện Huyết học và truyền máu Trung ương cũng đã thành lập được Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng. Đây là ngân hàng máu dây rốn cộng đồng đầu tiên trong cả nước, cung cấp nguồn tế bào gốc để ghép điều trị cho bệnh nhân không có người hiến tế bào gốc cùng huyết thống. Ngân hàng này được thành lập từ năm 2015. Viện Huyết học và truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công 10 ca ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn của Ngân hàng.
Ông Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương cho biết: “Nguồn tế bào gốc được lưu trữ không chỉ được sử dụng để điều trị bệnh máu mà còn có thể sử dụng để ghép tế bào gốc điều trị nhiều bệnh khác, như tiểu đường, parkinson, bệnh lý thần kinh… Trong hiện tại và tương lai, chắc chắn Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng sẽ cung cấp đáng kể nguồn tế bào gốc để ghép điều trị cho bệnh nhân và trở thành tài sản chung của toàn xã hội".
Theo Chinhphu.vn