Việt Nam có thêm 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới
Ngày đăng: 16/09/2021 14:12
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 16/09/2021 14:12
Kon Hà Nừng (Gia Lai) và Núi Chúa (Ninh Thuận) được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới do đáp ứng đủ 7 tiêu chí, trong đó có đa dạng sinh học cao.
Hươu nai trong khu vực Trung tâm cứu hộ của Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng. |
Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO công bố bổ sung thêm 20 địa điểm mới, tại 21 quốc gia vào Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó 2 khu của Việt Nam.
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa có diện tích 106,646,45 ha, gồm vùng đất liền và vùng biển của tỉnh Ninh Thuận và nằm ở cuối dãy Trường Sơn. Đây là nơi có khí hậu khắc nghiệt với thời tiết nắng, nóng, khô hạn và lượng mưa tối thiểu. Núi Chúa có hệ sinh thái khảm phong phú, đa dạng sinh học đặc trưng của vùng Nam Trung Bộ Việt Nam, bao gồm thảm thực vật bán khô hạn độc đáo, các bãi làm tổ của rùa biển và các rạn san hô.
Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng, Việt Nam nằm ở vùng cao của miền Trung Việt Nam, được mệnh danh là 'Nóc nhà Đông Dương', đỉnh cao nhất lên tới hơn 1.700 m. Khu dự trữ sinh quyển cũng là nơi cư trú của các loài quý hiếm như Voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea), một loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm của Việt Nam, được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp, chỉ còn khoảng 1.000 cá thể trong tự nhiên.
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển, UNESCO Việt Nam, "Việc được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới có ý nghĩa lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn thiên nhiên tại đây được thực hiện tốt hơn".
Thêm 2 khu này của Việt Nam được công nhận đã nâng tổng số lên 11 khu dự trữ sinh quyển, gồm: Rừng ngập mặn Cần Giờ (2000); Đồng Nai (2001); Châu thổ sông Hồng (2004); Cát Bà (2004); Kiên Giang (2006); Tây Nghệ An (2007); Cù lao Chàm (2009); Mũi Cà Mau (2009); Lang Biang (Đà Lạt) (2015); Núi Chúa (Ninh Thuận) (2021); Kon Hà Nừng (Gia Lai) (2021).
7 tiêu chí để được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới:
1. Có đại diện đa dạng các hệ sinh thái của những khu vực địa lý sinh vật chính, bao gồm cả những khu vực phát triển có các mức độ tác động khác nhau (gradiation) của con người.
2. Có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao.
3. Có thể thực hiện phát triển theo hướng bền vững ở cấp độ vùng.
4. Có diện tích thích hợp để đáp ứng được ba chức năng của khu dự trữ sinh quyển.
5. Có đủ những phân vùng thích hợp để thực hiện 3 chức năng của khu dự trữ sinh quyển thông qua: (a) vùng lõi có diện tích đủ lớn, được thiết lập bởi pháp luật, hoặc một vùng được dành riêng cho việc bảo tồn lâu dài; (b) vùng đệm được xác định rõ ràng, bao quanh hoặc kết nối với (các) vùng lõi, nơi dành cho các hoạt động hài hòa với bảo tồn; (c) vùng chuyển tiếp dành cho việc khuyến khích và tạo ra các hoạt động quản lý và sử dụng tài nguyên bền vững.
6. Có bố trí các cơ cấu quản lý để huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan, giữa chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và khối tư nhân để thiết kế và thực hiện các chức năng của khu dự trữ sinh quyển.
7. Cơ chế thực hiện việc quản lý và bảo tồn được UNESCO chấp nhận, bao gồm: (a) các cơ chế quản lý các hoạt động và khai thác của con người tại vùng đệm; (b) có một chính sách hoặc kế hoạch quản lý cho toàn khu dự trữ sinh quyển; (c) có một cơ chế hoặc đội ngũ quản lý được thành lập để thực hiện chính sách hoặc kế hoạch đó; (d) có các chương trình nghiên cứu, quan trắc, giáo dục và đào tạo. |
Theo Vnexpress