Việt Nam có thể tiết kiệm hàng tỉ đồng nhờ hệ thống dữ liệu vệ tinh mở
Ngày đăng: 07/03/2018 10:49
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 07/03/2018 10:49
Ngày 6/3 tại Hà Nội, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức hội thảo giới thiệu hệ thống chia sẻ dữ liệu vệ tinh mở và miễn phí Vietnam DataCube.
Việc ứng dụng ảnh vệ tinh sẽ thuận lợi cho việc theo dõi rừng, lúa và theo dõi mặt nước. |
Vietnam DataCube được hình thành và phát triển dựa trên sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam (VNSC) với các đối tác chính là Australia (CSIRO - Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung), Hoa Kỳ (USGS – Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Công ty IMSG), Nhật Bản (JAXA – Cơ quan Nghiên cứu và phát triển Hàng không vũ trụ Nhật Bản), Pháp (CNES – Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp).
Thêm công cụ theo dõi rừng, đồng ruộng, và mặt nước
Trong giai đoạn đầu, Vietnam Data Cube tập hợp dữ liệu vệ tinh LandSat (Hoa Kỳ), Sentinel (Cộng đồng Châu Âu), ALOS (Nhật Bản) cho toàn bộ lãnh thổ và phát triển các ứng dụng theo dõi rừng, theo dõi lúa và theo dõi mặt nước.
Nhờ có sự hỗ trợ của công ty IMSG (Hoa Kỳ), một hệ thống máy chủ hiện đại có khả năng lưu trữ lên tới 200 TB, đã được thiết lập tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Cùng với đó, CSIRO (Australia) cung cấp hệ thống phần mềm DataCube.
Như vậy, với hệ thống này, người dùng được cung cấp cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh khổng lồ cùng công cụ khai thác miễn phí có khả năng giảm thiểu thời gian và kiến thức chuyên môn cần thiết để sử dụng dữ liệu vệ tinh; phân tích chuỗi thời gian hiệu quả để hỗ trợ các ứng dụng thay đổi lớp phủ, rừng, hiện trạng sử dụng đất; và sử dụng nhiều bộ dữ liệu vệ tinh với nhau.
Theo GS.TS Phạm Anh Tuấn – Tổng Giám đốc VNSC - cho biết, trước đây, mỗi năm Việt Nam phải dành hàng tỉ đồng cho việc mua ảnh vệ tinh do nhu cầu sử dụng ảnh vệ tinh rất lớn.
Thách thức không nằm ở dữ liệu
Hiện nay, dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất đã và đang được sử dụng không chỉ trong nghiên cứu mà còn trong thực tế phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp độ địa phương, khu vực và toàn cầu.
Thực tế cho thấy, các thế hệ vệ tinh quan sát Trái đất mới đang cung cấp lượng dữ liệu ngày càng lớn trên phạm vi toàn cầu và như vậy đối với nhiều ứng dụng, thách thức không còn nằm ở việc thiếu dữ liệu mà là việc làm sao kết nối được giữa dữ liệu, ứng dụng và người dùng.
Thậm chí, hiện nay nhiều dữ liệu vệ tinh vẫn chưa được khai thác cho dù đã có các trang thiết bị phân tích và tính toán hiện đại.
Bên cạnh việc giúp các đơn vị trong nước có công cụ mạnh khai thác miễn phí dữ liệu ảnh vệ tinh, tiết kiệm hàng tỉ đồng, Vietnam Data Cube còn hướng tới nâng cao năng lực của người dùng, qua đó đóng góp vào các chương trình ưu tiên toàn cầu, như các chương trình trong Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (UN-SDG) và các Thỏa thuận Paris và Sendai.
Theo KH&PT