Việt Nam có thể làm chủ công nghệ dự án bauxite, alumine
Ngày đăng: 04/06/2014 01:15
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/06/2014 01:15
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ dự án bauxite, alumine. |
Việt Nam hoàn toàn có thể vận hành 2 dự án bauxite và alumine mà không phải thuê chuyên gia nước ngoài.
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội về khả năng làm chủ công nghệ Nhà máy tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng (Lâm Đồng) và Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) chiều ngày 2/6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, sau một thời gian hoạt động của tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng, khả năng làm chủ công nghệ của đội ngũ cán bộ công nhân là tốt.
Chúng ta hoàn toàn có thể vận hành và không phải thuê chuyên gia nước ngoài, đó là do chủ đầu tư làm tốt công tác đào tạo. Dự án alumine Nhân Cơ cũng sẽ tiếp thu và vận hành tương tự.
Về việc khả năng tự chủ sản xuất, thay thế thiết bị, Phó Thủ tướng khẳng định đó không phải là vấn đề quá lớn, vì công nghệ của 2 dự án là công nghệ G7, loại công nghệ khá phổ biến trên thế giới, không phải đặc thù.
Vấn đề là quản trị thiết bị phải an toàn và tính toán dự phòng các thiết bị thay thế (chế tạo trong nước hoặc tìm kiếm ở thị trường nước ngoài).
Về các phần mềm mã nguồn của nhà máy trong hợp đồng đã được chuyển giao, các cán bộ của chúng ta trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đã từng bước làm chủ.
Dự án tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng được bàn giao ngày 1/10/2013. Theo Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam, năm 2013, tổ hợp này đã sản xuất được 214.000 tấn alumine, xuất khẩu được 160.340 tấn.
5 tháng đầu năm 2014, nhà máy đã sản xuất được 178.000 tấn alumine, xuất khẩu 184.000 tấn; dự kiến cả năm 2014, nhà máy sẽ sản xuất 540.000 tấn.
Hiện nay, Việt Nam mỗi năm nhập khẩu 3 triệu tấn nhôm, nếu đưa nhôm vào sản xuất sẽ đáp ứng một phần nhu cầu nhập khẩu hiện nay và sẽ phát huy được hiệu quả toàn chuỗi.
Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta không phải sản xuất bằng được tất cả các sản phẩm, mà phải bảo đảm sản xuất có hiệu quả và có tính cạnh tranh ngay trên sân nhà và quốc tế.
Các dự án của ta có hiệu quả, nhưng chưa cao là do thị trường alumin đang xuống, mặc dù những tháng gần đây kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa bảo đảm bằng mức dự báo những năm tới. Nếu chúng ta tiếp tục quy trình sản xuất tiếp từ alumin sang nhôm thì sẽ bảo đảm hiệu quả hơn.
Theo Chinhphu.vn