Việt Nam chưa làm chủ được nhiều công nghệ cao trong lĩnh vực sinh học
Ngày đăng: 23/09/2024 08:07
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/09/2024 08:07
Việt Nam mới ứng dụng thành công các công nghệ phổ thông như cấy mô, chế phẩm vi sinh, chỉ thị phân tử... mà chưa làm chủ được nhiều công nghệ cao - theo nhận định của một số chuyên gia tại Hội thảo “Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực y dược và công nghệ sinh học”.
Diễn giả trình bày báo cáo tại Hội thảo. |
Sự kiện do Bộ KH&CN phối hợp với Đại học Y Dược TPHCM tổ chức tại TPHCM vào ngày 20/9.
TS Phạm Văn Tiềm, Vụ KH&CN các ngành kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH&CN, nhấn mạnh, công nghệ sinh học là một trong những lĩnh vực được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống. Theo BBC Group, năm 2023 thị trường công nghệ sinh học toàn cầu ước tính đạt 1.378,63 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 3.210,71 tỷ USD vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng kép hằng năm của thị trường công nghệ sinh học giai đoạn 2023 – 2030 ước đạt 12,8%.
Các nước phát triển đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ sinh học và mang lại hiệu quả, lợi nhuận cao. Việt Nam là nước nhiệt đới, gió mùa, đi lên từ nông nghiệp, đa dạng sinh học đứng thứ 16 trên thế giới. Nhằm đưa công nghệ sinh học thành ngành mũi nhọn, ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứn dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Theo đó, tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, là trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á.
Triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ KH&CN đã xây dựng cơ chế, chính sách và các mô hình thí điểm các cơ chế chính sách này để tạo đột phá phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong một số lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống.
Bên cạnh đó, hiện Bộ KH&CN đang dự thảo định hướng đầu tư nghiên cứu làm chủ một số công nghệ lõi trong công nghệ sinh học tại Việt Nam đến năm 2030. Cụ thể, đó là công nghệ sinh học trong chọn giống cây trồng và vật nuôi; công nghệ enzyme và protein tái tổ hợp; sản xuất vắc xin thế hệ mới, dược phẩm sinh học; công nghệ gene và liệu pháp gene; tế bào gốc, y học tái tạo; công nghệ sinh học nano, màng sinh học, sản xuất thực phẩm, xử lý ô nhiễm;…
CNSH được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. |
GS.TS Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm Chương trình KC.12/21-30 về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học giai đoạn 2021-2030, cho rằng, với khoản đầu tư chưa nhiều, nhưng thời gian qua, Việt Nam đã phát triển được nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong những lĩnh vực quan trọng của đất nước, như nông, lâm, ngư nghiệp chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Từ đó, đặt nền móng cho công nghiệp sinh học toàn quốc, gồm nhân giống, chọn tạo giống, công nghệ tế bào, sinh học phân tử, sản xuất vaccine thú y, sản xuất các chế phẩm sinh học, các quy trình chẩn đoán cho chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người, cây trồng và vật nuôi. Nhiều sản phẩm của công nghệ sinh học đã và đang đóng góp cho sản xuất trên đồng ruộng, trang trại của nông dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo TS Hàm, sự phát triển của ngành công nghệ sinh học còn xa với tiềm năng và nhu cầu của đất nước. Mới có các công nghệ phổ thông như cấy mô, chế phẩm vi sinh, chỉ thị phân tử.... được ứng dụng thành công, mà chưa khai thác được nhiều nghiên cứu ứng dụng các công nghệ cao. Ngoài ra, hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực giữa các viện, trường, doanh nghiệp còn yếu. Sự tham gia của khối doanh nghiệp còn rất lẻ tẻ, chủ yếu nhắm tới tận dụng vốn của các chương trình, yếu tố công nghệ chưa được coi trọng.
TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ KH-CN và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng cho rằng, hiện nay nguồn nhân lực công nghệ sinh học của Việt Nam còn thiếu và yếu, chưa làm chủ được nhiều công nghệ. Trong khi nguồn vốn từ ngân sách cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học còn thấp, doanh nghiệp thì không đủ năng lực để đầu tư.
Vì vậy, bà khuyến nghị, cần đánh giá đúng thực trạng nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học trong nước; từ đó đầu tư tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, xây dựng các chương trình nghiên cứu về công nghệ sinh học song phương, đa phương. Đồng thời, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, trung tâm, viện nghiên cứu về công nghệ sinh học.
Đối với ngành y tế, TS Hoàng Hoa Sơn, Cục KH-CN và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, bộ này dự kiến triển khai năm chương trình KH&CN ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ số đến năm 2030. Đó là, nghiên cứu phát triển ứng dụng kỹ thuật, phương pháp tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh ở người; phát triển vắc xin và chế phẩm sinh học; phát triển thuốc, thiết bị y tế; phát triển dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; nghiên cứu khoa học cung cấp bằng chứng phục vụ quản lý, xây dựng chính sách ngành y tế. Trong đó, tập trung ứng dụng công nghệ sinh học để làm chủ một số công nghệ chủ chốt như y học cá thể hóa, các sản phẩm phục vụ công tác dự phòng, giải mã gen, chẩn đoán và điều trị chính xác, y học tái tạo và kỹ thuật mô, công nghệ tế bào,…
Theo TS.Sơn, để triển khai các chương trình KH&CN một cách hiệu quả, các cơ quan quản lý cùng nhà khoa học cùng nhau xem xét, để xác định rõ những vấn đề gì mà mỗi ngành, lĩnh vực đang phải đối mặt hiện nay và trong ba đến năm năm tới. Từ đó, mới xác định chính xác, cụ thể nhiệm vụ mà KH&CN cần giải quyết. Đồng thời, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh theo từng chương trình đặt ra.
Khoahocphattrien