Việt - Nga xây dựng Trung tâm Khoa học Công nghệ hạt nhân trị giá 350 triệu USD
Ngày đăng: 20/11/2018 09:40
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/11/2018 09:40
Trung tâm sẽ là một trong những biểu tượng và là minh chứng cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Toàn cảnh cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 19/11. |
Ngày 19/11, sau lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nga D.A. Medvedev tại Văn phòng Chính phủ.
Trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Medvedev đã trao đổi các phương hướng và biện pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga ngày càng đi vào chiều sâu và bền vững.
Hai thủ tướng bày tỏ hài lòng về quan hệ chính trị Việt - Nga có độ tin cậy cao, trao đổi đoàn và tiếp xúc được duy trì thường xuyên trên tất cả các cấp, đặc biệt cấp cao. Hai bên nhất trí phối hợp, tổ chức tốt Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam trong năm 2019-2020 nhân kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt - Nga và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Hai thủ tướng đánh giá cao kết quả Khóa họp lần thứ 21 Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật diễn ra tại Moscow vào cuối tháng 10/2018 vừa qua. Hai bên đánh giá hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nga phát triển năng động thời gian qua với việc triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Nhằm phát huy hơn nữa lợi thế mà Hiệp định mang lại, hai bên sẽ phối hợp, từng bước tháo gỡ các cản trở đối với xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước, đặc biệt nông, thủy, hải sản, phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Hai thủ tướng bày tỏ hài lòng về kết quả hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Nga, coi đây là một trong những trụ cột quan trọng của hợp tác song phương. Hai bên khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và trên lãnh thổ Liên bang Nga, cũng như mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như cung cấp khí hóa lỏng (LNG) và điện khí.
Hai bên nhất trí thúc đẩy các dự án hợp tác quy mô trọng điểm trên các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, đồng thời mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực thông tin, công nghệ số, chính phủ điện tử; hoan nghênh hợp tác phát triển hạ tầng giao thông đô thị và đường sắt tại Việt Nam.
Đặc biệt, lãnh đạo hai nước khẳng định quyết tâm triển khai dự án Trung tâm Khoa học Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam trị giá 350 triệu USD.
Mục đích chính của Trung tâm là thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân quốc gia; đào tạo và huấn luyện đội ngũ cán bộ nghiên cứu, triển khai trình độ cao, có khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ hạt nhân tiên tiến; mở rộng và đẩy mạnh ứng dụng của năng lượng nguyên tử vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời là đầu mối hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử của Việt Nam với các nước.
Sau khi Việt Nam dừng dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Liên bang Nga mong muốn hai nước tiếp tục hợp tác thực hiện dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân, coi đây là một trong những biểu tượng và là một minh chứng cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác của Liên bang Nga vào các nước Đông Nam Á trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân cũng sẽ là nơi thu hút các cán bộ được đào tạo tại Liên bang Nga về ngành hạt nhân (hơn 400 sinh viên Việt Nam được lựa chọn và gửi sang Nga đào tạo tại trường MEPHI, Obnhinsk), tạo điều kiện cho họ có môi trường làm việc tốt và phát huy được lĩnh vực chuyên môn.
Tại cuộc hội đàm, hai bên cũng nhất trí tầm quan trọng của hợp tác an ninh, quốc phòng và vui mừng nhận thấy hợp tác khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo, lao động, hợp tác giữa các địa phương hai nước đã phát triển tích cực thời gian qua; nhất trí tiếp tục mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực này.
Hai Thủ tướng chứng kiến trao văn bản quyết định xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân. |
Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, đồng thời khẳng định tiếp tục tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương; đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM, ASEAN - Nga, vì lợi ích của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Medvedev trân trọng mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nga thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
Trung tâm nghiên cứu Khoa học và công nghệ hỗn hợp Nhiệt đới Việt - Nga Chiều 19-11, Thủ tướng Dmitry Anatolyevich Medvedev đến thăm Trung tâm nghiên cứu Khoa học và công nghệ hỗn hợp Nhiệt đới Việt - Nga tại Hà Nội (hay còn gọi là Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga). Tại đây, Thủ tướng Medvedev đã trao Huân Chương Hữu nghị, phần thưởng cao quý của Nhà nước Nga, tặng Thiếu tướng, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Dư, Tổng Giám đốc Trung tâm, vì những đóng góp quan trọng vào sự phát triển quan hệ giữa Liên bang Nga và Việt Nam; Bằng Tri ân của Thủ tướng Liên bang Nga tặng tập thể Trung tâm nghiên cứu Khoa học và công nghệ hỗn hợp Nhiệt đới Việt - Nga. Đánh giá cao sự hợp tác giữa Nga và Việt Nam tại Trung tâm nghiên cứu Khoa học và công nghệ hỗn hợp Nhiệt đới Việt - Nga, Thủ tướng Dmitry Medvedev coi đây như sự phát triển, hợp tác trong lĩnh vực quân sự, khoa học, công nghệ và củng cố mối quan hệ toàn diện giữa Liên bang Nga và Việt Nam. Trung tâm nghiên cứu Khoa học và công nghệ hỗn hợp Nhiệt đới Việt - Nga là công trình đặc biệt, nghiên cứu khoa học - công nghệ hỗn hợp quốc tế đa ngành về nhiệt đới được thành lập trên cơ sở Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Liên Xô, nay là Liên bang Nga. Kết quả hoạt động của Trung tâm trong qua 30 năm đã góp phần củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị, Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Từ các kết quả nghiên cứu khoa học, các cán bộ khoa học của Trung tâm đã công bố gần 3.000 công trình, trên 40 sách chuyên khảo, nhiều luận án Tiến sỹ khoa học, Tiến sỹ. Đã có hơn 4.000 lượt nhà khoa học Nga sang làm việc tại Trung tâm, trong đó có nhiều Viện sỹ, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, các chuyên gia hàng đầu của nền khoa học Liên Xô và Liên bang Nga. Trung tâm được coi là chiếc cầu nối hợp tác giữa các tổ chức khoa học và công nghệ giữa hai quốc gia. Cũng từ đây, sự hợp tác với các đối tác là tổ chức của nước thứ 3 (Hàn Quốc, Canada , Nhật Bản...) được thiết lập có hiệu quả. Trong giai đoạn tới, Trung tâm nghiên cứu Khoa học và công nghệ hỗn hợp Nhiệt đới Việt - Nga xác định tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và kinh tế - xã hội... |
Theo Khampha.vn