Về cảm nhận vị đắng trong thuốc: Một khám phá bất ngờ
Ngày đăng: 24/04/2025 08:52
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 24/04/2025 08:52
Nhiều loại thuốc có vị đắng đến mức trở thành nỗi ám ảnh đối rất nhiều người bệnh. Mới đây, TS. Nguyễn Thị Thu Hà và các đồng nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu Cảm giác Hóa học Monell đã tìm thấy các biến thể di truyền giải thích một số khác biệt về phản ứng với vị đắng của từng nhóm người đến từ nhiều châu lục trên thế giới.
Với không ít người, vị đắng của thuốc có lẽ là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất và thậm chí còn trở thành rào cản trong việc dùng thuốc theo chỉ định. |
Các hợp chất đắng có mặt trong rất nhiều loại thực phẩm và thuốc trị bệnh. Khả năng cảm nhận vị đắng có vai trò quan trọng trong nhiều cơ chế bảo vệ của cơ thể. “Vị đắng giúp chúng ta phát hiện các chất độc có trong nguyên liệu thực vật hay thực phẩm hư hỏng để tránh sử dụng chúng. Vị đắng của các chất kích thích thần kinh và gây nghiện như caffeine trong trà, cà phê và ca cao, alcohol trong thức uống có cồn, hay nicotine trong thuốc lá giúp cơ thể giới hạn liều lượng sử dụng chúng”, TS. Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ với báo KH&PT.
Tuy nhiên, các chất đắng không những được cảm nhận bởi các tế bào thụ cảm ở trên lưỡi mà còn kích hoạt các tế bào thụ cảm ở nhiều cơ quan nội tạng khác trong cơ thể và có liên quan đến nhiều cơ chế bảo vệ và điều trị bệnh khác nhau, chẳng hạn như cơ chế miễn dịch để chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn và virus trong đường hô hấp hay hệ tiêu hóa. Do vậy, các chất đắng cũng là thành phần chính của nhiều loại thuốc trị bệnh và là thành phần có hoạt tính sinh học trong nhiều loại rau củ quả có lợi cho sức khỏe, ví dụ như glucosinolate và isothiocyanate trong các loại rau cải như bông cải xanh và bắp cải, các hợp chất phenol trong rượu vang, v.v... Với không ít người, vị đắng của thuốc có lẽ là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất và thậm chí còn trở thành rào cản trong việc dùng thuốc theo chỉ định, nhất là với trẻ em hay những người nhạy cảm với dư vị khó chịu của thuốc.
Để khắc phục tình trạng khó chịu này, nhiều loại thuốc đã được thêm hương vị và chất tạo ngọt để điều chỉnh mùi vị và làm cho người sử dụng “dễ nuốt” hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cùng cảm giác về vị giác và độ nhạy cảm với vị đắng hoặc cảm thấy dễ chịu như nhau khi dùng các chất điều chỉnh này.
Sự khác biệt lớn về vị đắng
Để đi tìm sự khác biệt này, TS. Nguyễn Thị Thu Hà và các cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu Cảm giác Hóa học Monell (Monell Chemical Senses Center, Mỹ) đã kiểm tra cường độ đắng của năm loại thuốc và hai chất điều chỉnh vị đắng ở 338 người lớn gốc Âu và những người nhập cư gần đây vào Mỹ và Canada từ châu Á, Nam Á và châu Phi.
Cụ thể, người tham gia sẽ nếm thử năm loại thuốc có vị đắng, bao gồm: tenofovir alafenamide (TAF; cho HIV), moxifloxacin (cho bệnh lao), praziquantel (cho bệnh sán máng - một loại giun), amodiaquine (cho bệnh sốt rét) và propylthiouracil (PROP; cho bệnh cường giáp). Các dung dịch khác cũng được thử nghiệm bao gồm: TAF trộn với sucralose (ngọt, giảm vị đắng) hoặc 6-methylflavone (không vị, giảm vị đắng) và sucralose đơn độc.
“Đây là nghiên cứu đầu tiên so sánh những người tham gia có nguồn gốc khác nhau khi nếm thử các loại thuốc đắng khác nhau”, TS. Nguyễn Thị Thu Hà - tác giả thứ nhất của nghiên cứu - chia sẻ trong thông cáo báo chí.
Trong kết quả nghiên cứu mới được công bố trong bài báo “Worldwide study of the taste of bitter medicines and their modifiers” trên tạp chí Chemical Senses, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng cảm giác về vị đắng đối với hai trong số năm loại thuốc có sự khác nhau tùy theo tổ tiên của người sử dụng thuốc cũng như hiệu quả của một số chất điều chỉnh. Họ cũng tìm thấy các biến thể di truyền giải thích một số khác biệt về phản ứng với vị đắng.
Cụ thể, sự khác biệt lớn giữa người với người trong xếp hạng độ đắng xuất hiện ở tất cả các loại thuốc và tất cả các nhóm tổ tiên. Trong mỗi nhóm tổ tiên khác nhau, một số người xếp hạng thuốc ở mức độ đắng cao nhất - cho thấy cảm nhận độ đắng mạnh, trong khi những người khác xếp hạng thuốc chỉ đắng rất nhẹ như nước. Mặc dù có nhiều phản ứng khác nhau trong mỗi nhóm, 40% các loại thuốc có sự khác biệt về cảm nhận độ đắng theo nhóm tổ tiên của người tham gia thử nghiệm. Trung bình, thuốc PROP cho cảm giác đắng hơn đối với những người có tổ tiên là người châu Á so với những người có tổ tiên khác, và amodiaquine đem lại cảm nhận đắng hơn đối với những người có tổ tiên là người châu Âu so với những người có tổ tiên là người châu Phi.
Sự khác biệt về vị đắng PROP giữa các nhóm tổ tiên đã khẳng định kiến thức trước đó về sự phân bố của các biến thể di truyền thụ thể vị giác TAS2R38 giữa các khu vực toàn cầu khác nhau.Thuốc TAF cũng đem lại cảm nhận về vị đắng khác nhau đối với mỗi nhóm tổ tiên khi thuốc được thêm thành phần sucralose. Kết quả chỉ ra, khi sucralose được thêm vào như một chất tạo ngọt để điều chỉnh vị đắng, nó hiệu quả hơn đối với người châu Phi so với người châu Á.
“Những phát hiện của chúng tôi có thể giúp định hướng việc bào chế các loại thuốc có mùi vị khó chịu để đáp ứng nhu cầu của những người nhạy cảm nhất với chúng”, TS. Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.
Lợi ích khi giảm vị đắng
Dù mang lại cảm giác không mấy dễ chịu, song, vị đắng không phải lúc nào cũng xấu: nó có thể hữu ích khi được thêm vào sản phẩm nhằm ngăn ngừa người dùng vô tình sử dụng nhầm và bị ngộ độc. Tuy nhiên, khi bệnh nhân từ chối sử dụng thuốc vì lo sợ vị đắng, thì hiệu quả ngăn ngừa ngộ độc của vị đắng cũng trở nên vô nghĩa. “Theo kinh nghiệm của riêng tôi, thật xấu hổ khi phải giải thích với bác sĩ rằng tôi đã không cho con tôi uống đủ liều thuốc do chúng từ chối uống vì mùi vị của thuốc”, TS. Danielle Reed - Giám đốc Khoa học Monell - chia sẻ với trung tâm này.
Theo nhiều bác sĩ lâm sàng, mùi vị khó chịu của thuốc chính là rào cản lớn khiến cho nhiều bệnh nhân không hoàn thành và tuân thủ điều trị, và tình trạng không tuân thủ này gây hậu quả nghiêm trọng ở những nơi thiếu nguồn lực - những khu vực mà mỗi liều thuốc đều rất giá trị và có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
“Những loại thuốc này có thêm các thành phần như chất tạo ngọt để giảm vị đắng, nhưng thường thì những chất bổ sung này chỉ có hiệu quả một phần trong việc cải thiện hương vị”, TS. Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.
Cho đến nay, chất tạo ngọt, muối hay các chất tăng cường mùi vị thường được sử dụng để “che giấu” vị đắng trong thực phẩm và thuốc, song, những thành phần này không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả. Quan trọng hơn, thuốc có chứa đường và muối cũng không phải là giải pháp lý tưởng, đặc biệt là với thuốc dành cho người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao. Do vậy, vị đắng vẫn đang là rào cản trong việc giải quyết các thách thức liên quan đến sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Thực tế này đã thôi thúc các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Monell bắt tay vào tìm giải pháp, và trong một nghiên cứu công bố vào năm 2024, họ đã phát hiện ra một nhóm thuốc trị bệnh tiểu đường type 2, điển hình là rosiglitazone (có tên thương mại là Avandia), có thể giảm vị đắng của một số loại thuốc. Khi bổ sung một lượng nhỏ rosiglitazone, thuốc có thể giảm vị đắng và trở nên “dễ nuốt” hơn với nhiều người.
Khi thử nghiệm, “sự khác biệt lớn giữa người với người trong cảm nhận về vị đắng của thuốc rất rõ ràng”, nhóm nghiên cứu cho biết. “Cả hai loại thuốc đắng được thử nghiệm đều có vị đắng yếu hoặc không đắng đối với một số người, nhưng lại rất đắng với nhiều người khác”. Tương tự như vậy, các chất giảm đắng có hiệu quả cao với nhiều người nhưng lại không hiệu quả với một số người.
Để giải thích cho kết quả này, TS. Thu Hà cho biết, có ít nhất 25 loại tế bào cảm nhận vị đắng trong các chồi vị giác trên lưỡi. Mỗi tế bào cảm nhận vị có thể cảm nhận được nhiều chất đắng khác nhau, và ngược lại mỗi chất đắng có thể kích hoạt cùng lúc nhiều tế bào cảm nhận vị đắng khác nhau. Sự khác nhau về di truyền dẫn đến mỗi người chúng ta có thể khác nhau về kiểu gene của các tế bào cảm nhận vị đắng này. Hơn nữa, khả năng cảm nhận vị còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yều tố khác như độ tuổi, sự học hỏi theo thời gian và môi trường sống. Điều này dẫn đến khả năng cảm nhận vị đắng của mỗi người là khác nhau.
“Với việc tìm hiểu về sự khác biệt giữa mọi người và các nhóm tổ tiên khác nhau, chúng tôi đang nghiên cứu các chiến lược chặn vị đắng để cải thiện hương vị của thuốc và giúp tất cả những ai cần có thể sử dụng thuốc một cách dễ dàng hơn”, TS. Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.
Bài đăng KH&PT số 1340 (số 16/2025)
Khoahocphattrien