Vật liệu tổng hợp mô phỏng chất nhờn từ cá mút đá
Ngày đăng: 06/02/2017 08:23
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 06/02/2017 08:23
Một nhóm các nhà khoa học và kỹ sư cùng với Hải quân Hoa Kỳ đã lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên để phát triển một công cụ phòng thủ mới. Cụ thể, nhóm nghiên cứu sử dụng chất nhờn từ cá mút đá bám đáy để tạo ra một loại vật liệu tổng hợp mới có thể hoạt động như một lớp bảo vệ nữa cho tàu chiến.
Cá mút đá ở biển Thái Bình Dương tiết ra chất nhờn bảo vệ để chống lại kẻ săn mồi. Theo Josh Kogot, nhà sinh học tại Hải quân Hoa Kỳ, các thuộc tính của chất nhờn này có thể sánh ngang với vải sợi tổng hợp Kevlar được sử dụng trong thiết bị bảo vệ như mũ bảo hiểm chiến đấu và áo khoác chống đạn.
Kogot cho rằng: Vật liệu tổng hợp mô phỏng chất nhờn từ cá mút đá có thể được sử dụng để bảo vệ đạn đạo, chữa cháy, chống bẩn, bảo vệ thợ lặn hoặc làm thuốc xịt chống cá mập. Khả năng của chúng là vô tận.
Ryan Kincer, kỹ sư vật liệu và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: Hai thành phần dựa vào protein bao gồm sợi và chất nhờn (còn gọi là protein nhờn), tạo nên chất nhờn của cá mút đá. Sợi giống như một cuộn dây, nhanh chóng tách nhau ra khi nó tiếp xúc với nước, trong khi chất nhờn liên kết với nước để hạn chế dòng chảy. Khi sợi và chất nhờn tương tác với nước, một mạng lưới 3D của chất nhờn được tạo ra và chất nhờn 3D có thể mở rộng gấp 10.000 lần thể tích ban đầu của nó.
Trong thí nghiệm phỏng sinh học mới nhất của Hải quân Hoa Kỳ sử dụng ý tưởng từ thiên nhiên để giải quyết các vấn đề của con người, nhóm nghiên cứu đã tái tạo các protein alpha và gamma của chất nhờn. Tiếp theo, các nhà khoa học sẽ tập trung cải tiến chất nhờn tổng hợp và sản xuất nó với khối lượng lớn.
Nhóm nghiên cứu cho rằng chất nhờn của cá mút đá là một trong những vật liệu sinh học độc đáo nhất từng được biết đến. Đối với Hải quân Hoa Kỳ, có trong tay vật liệu này hoặc vật liệu có cơ chế hoạt động tương tự sẽ rất có lợi.
Theo Vista.gov.vn