Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về cơ chế đặc thù đối với TP. Buôn Ma Thuột
Ngày đăng: 27/09/2022 08:22
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/09/2022 08:22
Sáng 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù đối với TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) |
Cần thiết ban hành nhưng chính sách, cơ chế đặc thù... chưa đột phá
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột là cần thiết vì Thành phố ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, kết nối các trung tâm phát triển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và tam giác phát triển Lào-Việt Nam-Campuchia.
Đây cũng là đô thị mang những đặc trưng cơ bản của một đô thị trung tâm, đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa và có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước.
Tuy nhiên, TP. Buôn Ma Thuột phát triển kinh tế chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; thiếu sự kết nối trong phát triển giữa các ngành theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội chưa đạt yêu cầu, chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên, chưa trở thành cực tăng trưởng có tác động lan tỏa tới các tỉnh trong Vùng.
Bộ Chính trị cũng đã có Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 về phương hướng phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Buôn Ma Thuột.
"Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển TP. Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững; phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Do đó, để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Đắk Lắk theo hướng áp dụng các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng với các địa phương vừa qua như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa nhưng phạm vi áp dụng các chính sách này sẽ chỉ thực hiện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Đó là cơ chế về quản lý tài chính–ngân sách nhà nước (về mức vay nợ, định mức phân bổ chi thường xuyên, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, quản lý quy hoạch, ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.).
Chủ tịch Quốc hội: Đây là chủ trương tốt, phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, vị trí đối với cả Vùng |
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách nhận thấy, đây là trường hợp đặc biệt khi lần đầu trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một Thành phố trực thuộc tỉnh - 1đơn vị cấp huyện. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của TP. Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế-xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.
Ủy ban Tài chính, ngân sách cho rằng, đối chiếu giữa mục tiêu đề ra trong Kết luận 67 với nội dung Dự thảo Nghị quyết thì chưa "tạo đột phá đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội thành phố" theo tinh thần của Bộ Chính trị để góp phần đưa Buôn Ma Thuột trở thành cực tăng trưởng, tác động lan tỏa tới các tỉnh trong Vùng.
Cơ chế, chính sách đặc thù còn… 'hẻo quá'
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí đề xuất Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết này vào kỳ họp thứ 4 theo quy trình thông qua tại 1 kỳ họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ đồng tình với dự thảo Nghị quyết nhưng cho rằng, các chính sách và cơ chế trong dự thảo Nghị quyết chưa được "đặc thù lắm" để thu hút đầu tư, tài năng đặc biệt.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Nghị quyết này của Quốc hội cho thành phố thí điểm một số chính sách "khác luật" thôi, chứ chưa thể chế hóa toàn diện được Nghị quyết 67 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Buôn Ma Thuột.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là chủ trương của Trung ương để tạo điều kiện cho đô thị lớn nhất Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, vị trí đối với cả vùng. Tuy nhiên, điều mà Chủ tịch Quốc hội còn băn khoăn là chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột còn… "hẻo quá".
"Do đó, cần nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách cho toàn diện hơn, đầy đủ hơn cho TP. Buôn Ma Thuột phát triển mạnh mẽ hơn sau khi Nghị quyết này đi vào cuộc sống", Chủ tịch Quốc hội đề xuất.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Buôn Mê Thuột bày tỏ vui mừng khi Trung ương và Quốc hội đang cụ thể hoá để các chính sách đi vào thực tiễn, có chính sách ưu đãi này thành phố sẽ định hình về không gian phát triển cho địa phương, thu hút thêm doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh.
Ông Hà đề nghị, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, TP. Buôn Ma Thuột cần phát huy được lợi thế là đô thị sinh thái, phát huy bản sắc gắn với giá trị văn hoá các dân tộc Tây Nguyên để thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung các cơ chế ưu đãi để Thành phố thu hút đầu tư, nhân tài, xứng đáng là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên.
Theo Daklak.gov.vn