Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong điều trị một số bệnh lý mạch não
Ngày đăng: 10/01/2017 14:06
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/01/2017 14:06
GS.TS.BS. Phạm Minh Thông (bên phải) |
Những năm gần đây, khoa học y học Việt Nam đã có bước phát triển đáng tự hào, cụm công trình “Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch” của GS.TS.Bác sĩ. Phạm Minh Thông và các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai là một ví dụ về thành tựu của y học Việt Nam.
Phình mạch não (Aneurysm) là sự phình to của một phần thành mạch máu não tại nơi thành mạch máu bị yếu. Hầu hết không vỡ, nhưng có thể bị rò rỉ hoặc vỡ gây đột ngột đau đầu, buồn nôn, ói mửa, đau cổ, mờ mắt, nhạy cảm ánh sáng, mất ý thức, lẫn lộn, một mí rủ. Nhiều năm trước, đây là một căn bệnh khó có thể điều trị và đã dẫn đến bệnh nhân tử vong mà không có cách nào cứu chữa.
Không chịu bó tay và nhìn bệnh nhân lần lượt ra đi, GS.TS.BS. Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Phó trưởng Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh Trường Đại học Y Hà Nội cùng các cộng sự đã dày công nghiên cứu, đưa kỹ thuật điện quang thần kinh trong công tác chữa trị bệnh phình động mạch não để đem lại sự sống cho người bệnh.
Đến Bệnh viện Bạch Mai vào một ngày tháng 8/2016, các bác sĩ Khoa chẩn đoán hình ảnh đang cấp cứu cho bệnh nhân Đỗ Văn Xuân, 39 tuổi ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Người nhà bệnh nhân kể lại, sau khi ngủ dậy anh Xuân bị ngã xuống đất, người nhà đã đưa ngay anh vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán anh bị đột quỵ và cho chẩn đoán hình ảnh, chụp mạch máu, chụp CT Scan, phát hiện ra anh bị tách mạch máu giữa. Bác sĩ quyết định lấy khối máu tụ, tiến hành thủ thuật lấy được huyết khối từ trong động mạch máu giữa, khơi thông hoàn toàn hệ thống mạch máu. Sau 20 phút bệnh nhân tỉnh lại và nói chuyện được.
GS. Phạm Minh Thông cho biết, trước đây chẩn đoán khó khăn, đặc biệt đối với trường hợp đột quỵ não khi đã bỏ qua giờ vàng thường không điều trị được nữa, để lại di chứng. Hiện nay, nhờ có kỹ thuật hiện đại có thể chẩn đoán sớm được, những bệnh nhân đến không biết mình đột quỵ lúc mấy giờ, nhờ chẩn đoán hình ảnh, nhờ chụp cộng hưởng từ có thể chẩn đoán được bị vào lúc mấy giờ và có nằm trong giờ vàng đó hay không, quyết định điều trị hay không? Nếu tắc mạch lớn các bác sĩ có thể lấy huyết khối. Như vậy, với kỹ thuật hiện đại các bác sĩ có thể chẩn đoán tốt cho bệnh nhân, đặc biệt tham gia vào can thiệp, điều trị cho bệnh nhân, giúp cứu sống tính mạng cho bệnh nhân.
Nói thêm về việc điều trị bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch, TS. Trần Anh Tuấn, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có trường hợp bệnh nhân nam 45 tuổi đã có tiền sử chảy máu bạch cầu bên trái, ghi nhận trong tiền sử do vỡ dị dạng mạch máu não, bệnh nhân đã vào viện với tình trạng đau đầu. Khi chụp cắt lớp vi tính trong não bệnh nhân có một túi phình ở nội mạch, túi phình chưa bị vỡ nên đã được chỉ định can thiệp nội mạch phẫu thuật để lấy phần máu tụ.
“Với trường hợp trên, túi phình ngược hướng thì các phương pháp can thiệp trước kia áp dụng tương đối khó vì nguy cơ rủi ro, tai biến cho bệnh nhân cao hơn. Từ năm 2009, nhờ áp dụng kỹ thuật đổi hướng dòng chảy bằng stent, các bác sĩ đã hoàn toàn làm chủ được trong quá trình điều trị. Đến nay, kỹ thuật này đã được triển khai thành công ở rất nhiều ca”, TS. Trần Anh Tuấn cho hay.
Với trường hợp hai bệnh nhân trên, các bác sĩ đã ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang, can thiệp nội mạch, kỹ thuật này áp dụng trên thế giới từ năm 2007, còn ở Việt Nam, từ năm 2009, Bệnh viện Bạch Mai là nơi đầu tiên ứng dụng kỹ thuật này và cũng đã triển khai đại trà cho nhiều bệnh viện.
Các phương pháp chẩn đoán, điều trị ngày càng được đổi mới, nâng cao giúp giảm thiểu các rủi ro cho người bệnh |
TS. Trần Anh Tuấn, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền (Digital Subtraction Angiography - DSA) với nguyên lý cơ bản là dùng ánh sáng huỳnh quang và tia X chụp hình mạch máu ở những vị trí cần kiểm tra khi chưa bơm thuốc cản quang và sau khi đã bơm thuốc cản quang vào mạch máu cần chụp. Máy tính sẽ xóa mờ hình ảnh nền để làm rõ hệ thống mạch máu, giúp các bác sĩ nhận diện rõ hướng túi phình, cổ túi phình cũng như đánh giá được mạch máu nhỏ, rất nhỏ đi ra từ cổ túi phình hoặc lân cận túi phình.
Việc ứng dụng các kỹ thuật mới, hiện đại, ít gây tổn thương điều trị qua đường nội mạch thay thế phẫu thuật trong điều trị phình động mạch não tại Việt Nam là phương pháp điều trị biến chứng ít, không để lại di chứng nặng nề cho người bệnh, từ đó giảm các chi phí điều trị và giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Minh đánh giá đây là cụm công trình đặc biệt xuất sắc, có giá trị KH&CN lớn lao. Cụm công trình “Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch” của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, có đóng góp to lớn về ứng dụng KH&CN tiên tiến phục vụ sức khỏe nhân dân, mở ra một chuyên ngành sâu trong ngành chẩn đoán hình ảnh, đó là điện quang can thiệp thần kinh, đưa trình độ của ngành điện quang can thiệp của nước ta ngang bằng với các nước trong khu vực, thậm chí có thể sánh với các nước phát triển trên thế giới.
GS. Phạm Minh Thông cho biết, đây là kỹ thuật cao, đi theo đường nội mạch, từ động mạch vào, trước kia Việt Nam không làm được. Hiện, kỹ thuật này đã được nhân rộng, rất nhiều người được cứu sống, can thiệp điện quang thần kinh đã thay đổi hoàn toàn trong điều trị động mạch cảnh xoang do chấn thương ở Việt Nam.
Hàng năm, chỉ tính riêng Bệnh viện Bạch Mai có hàng trăm người được cứu sống và được điều trị thành công. Hàng trăm bệnh nhân đột quỵ não được chuẩn đoán và điều trị kịp thời cứu sống và không để lại di chứng. Hiện nay, Việt Nam có thể làm được, sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, một số kỹ thuật cao trên thế giới một số bệnh viện cũng đã làm được, không chỉ riêng Bạch Mai. Như vậy người dân đã được hưởng thành tựu khoa học kỹ thuật của thế giới.
Những năm vừa qua nhiều nghiên cứu và ứng dụng KH&CN đã mang lại kết quả lớn đối với đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực y dược, các phương pháp trong chẩn đoán, điều trị ngày càng được đổi mới, nâng cao giúp giảm thiểu các rủi ro và giảm thiểu tỷ lệ tử vong cho người bệnh.
Thành tựu của cụm công trình “Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch” đã được chuyển giao thành công cho nhiều trung tâm y khoa lớn trong cả nước, nhiều người bệnh được cứu sống nhờ các kỹ thuật hiện đại này. Cụm công trình đã được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt V.
Theo Truyenthongkhoahoc