Ứng dụng KHCN trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 05/12/2014 13:49
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/12/2014 13:49
Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình “KH&CN phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015” là cơ sở để đề ra các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với BĐKH đối với Việt Nam.
Hội thảo quốc gia về BĐKH tổ chức tại Đà Nẵng. |
Ngày 4/12, tại TP. Đà Nẵng, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo quốc gia về BĐKH nhằm đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương và đề xuất các giải pháp thích ứng với BĐKH, thuộc Chương trình “KH&CN phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015”.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do BĐKH, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm qua, ảnh hưởng của BĐKH đã tác động đến sản xuất, đời sống con người ngày càng rõ rệt, đã và đang tác động mạnh đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam, đến sự phát triển bền vững của tất cả các ngành, các vùng lãnh thổ của Việt Nam.
Nhận rõ được nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch tổng thể, hành động trong ứng phó với BĐKH. Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là giao cho Bộ KH&CN phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng và triển khai “Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015”.
Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình đã và đang góp phần đánh giá và dự báo các tác động của BĐKH, nước biển dâng, đồng thời đó cũng là cơ sở để đề ra các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với BĐKH đối với Việt Nam.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đầu ngành đã đề xuất nhiều giải pháp để thích ứng với BĐKH, đây là những nghiên cứu nằm trong Chương trình KH&CN phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.
Đáng chú ý là đề tài “Ứng dụng công nghệ viễn thám để giám sát và cảnh báo những tác động của BĐKH nhằm chủ động phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do tai biến thiên nhiên” của Trung tâm Viễn thám Quốc gia. Đề tài đã đưa ra được kết quả giám sát biến động một số yếu tố do ảnh hưởng của BĐKH, ảnh hưởng nước biển dâng như: giám sát lũ lụt, đánh giá biến động đường bờ biển, biến động sử dụng đất… Ngoài ra, Trung tâm còn đề xuất 1 sản phẩm mang tính tổng hợp, đó là “Hệ thống cảnh báo tai biến thiên nhiên trong điều kiện BĐKH”. Các kết quả giám sát này sẽ góp phần phục vụ trực tiếp cho công tác cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định cho các quy hoạch có định hướng phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.
Cũng về vấn đề giám sát và cảnh báo thiên tai, Th.S Nguyễn Thị Bình Minh, Phó Cục trưởng Cục khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, cần tăng cường năng lực đáp ứng thông tin khí tượng thủy văn phục vụ công ứng phó với BĐKH. Bà Minh đã đề xuất cần kết hợp sử dụng các mô hình ngẫu nhiên và cổ khí hậu, sử dụng dự báo khí hậu kết hợp với kịch bản biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, để tăng cường năng lực cho các ngành và địa phương ứng phó với các nguy cơ của BĐKH cần tổ chức phục vụ khí hậu thành một hệ thống. Hệ thống này sẽ cung cấp thông tin cơ bản về trạng thái, dao động và BĐKH cần thiết để ứng phó có hiệu quả. Hệ thống cần được bảo đảm về cơ sở hạ tầng cung cấp sản phẩm, công cụ dịch vụ cần thiết cho các hoạt động ứng phó với BĐKH.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm ứng phó với BĐKH, đặc biệt là cơ cấu kinh tế ngành đang được đặt ra như một nhu cầu cấp thiết. Cụ thể như việc quy hoạch vùng ven biển Nam Trung Bộ với việc phát triển ngành kinh tế biển, nông nghiệp, thủy sản, du lịch. Với vùng duyên hải Nam Trung Bộ tập trung phát triển du lịch sinh thái ở Nha Trang và Đà Nẵng; phát triển nông nghiệp hữu cơ và các năng lượng tái tạo như năng lượng gió ở Bình Thuận…Tuy nhiên, với việc phát triển của hầu hết các ngành kinh tế phụ thuộc nhiều và tự nhiên, chịu ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng thì việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm ứng phó với BĐKH cần tiếp tục được nghiên cứu, tính toán cụ thể để có chiến lược phát triển toàn diện.
Đề cập về vấn đề liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH, Th.S Nguyễn Song Tùng, Viện Địa lý nhân văn cho rằng, cần xây dựng cơ chế, chính sách, các giải pháp nhằm liên kết huy động các nguồn lực xã hội trong lĩnh vực này. Việc liên kết cần dựa trên nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, phục hồi tài nguyên, chia sẻ nguồn lực, nguyên tắc phân vùng chức năng, hình thành mạng sản xuất của vùng và liên vùng và các chế tài trong phân bổ nguồn lực, sử dụng tài nguyên.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các ban, ngành và các chuyên gia cũng tập trung đề cập đến những giải pháp khác như tuyển chọn và khảo nghiệm bộ giống lúa chịu hạn thích ứng cho vùng duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng của BĐKH, hoặc thiết kế hệ thống hỗ trợ trong quản lý tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Chinhphu.vn