Ứng dụng học trực tuyến có thể truy cập cùng lúc 10.000 người
Ngày đăng: 07/04/2021 09:02
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 07/04/2021 09:02
Với kinh nghiệm 30 năm làm chuyên môn khoa học và kỹ thuật tính toán tại Đại học Y khoa Havard, TS Đạt về nước phát triển ứng dụng học trực tuyến.
TS Đạt giới thiệu chức năng của ứng dụng cho học sinh, giáo viên tại Thành đoàn TP HCM. |
Ứng dụng mang tên Quickom được TS Nguyễn Huy Đạt (49 tuổi) cùng với 100 lập trình viên nghiên cứu và phát triển khi trở về Việt Nam hơn 10 năm trước. Ông chia sẻ, khi phát triển ứng dụng này chỉ với một suy nghĩ giúp việc dạy và học hiệu quả hơn mà không cần sử dụng các chương trình của nước ngoài. Người Việt sử dụng các ứng dụng phần mềm nước ngoài với các tính năng phục vụ cho hoạt động hội họp, trao đổi, còn ứng dụng chuyên phục vụ cho học tập lại mang tính chất hoàn toàn khác.
"Ứng dụng hội họp là nơi tranh luận, vai trò của mỗi cá nhân như nhau khi ai cũng được phép nói quan điểm của mình. Nhưng một buổi học phải có người nói, người nghe và học sinh chỉ được phát biểu quan điểm khi giáo viên cho phép", TS Đạt nói về sự khác biệt giữa ứng dụng giữa học tập và hội họp trực tuyến khi giáo viên là người hoàn toàn làm chủ, kiểm soát mọi hoạt động học sinh bằng các tính năng phân quyền. Ngoài ra, số lượng người của một buổi họp thường ít hơn một buổi học trực tuyến nên việc thiết kế sản phẩm phải thay đổi mang tính trao quyền lớn hơn.
"Lúc mới phát triển sản phẩm, tôi dự định cung cấp cho doanh nghiệp phục vụ việc họp hành, ký hợp đồng trực tuyến xuyên quốc gia. Nhưng khi Covid -19 bùng phát tại Việt Nam, việc học trực tuyến rất phổ biến nhưng trường học lại không có phần mềm phù hợp. Từ các nền tảng có sẵn của phần mềm họp, tôi phát triển những tính năng phục vụ cho học tập theo đúng với mô hình buổi học ở Việt Nam", TS Đạt nói.
Ứng dụng được thiết kế giúp giáo viên làm chủ toàn bộ quá trình học của học sinh, tương tự như buổi học thực bên ngoài. Học sinh chỉ được phát biểu ý kiến khi giơ tay và được giáo viên đồng ý. Trong suốt quá trình này micro phía học sinh hoàn toàn bị ngắt để đảm bảo lớp học được giữ trật tự, không cho tiếng động lạ làm ảnh hưởng việc học của học sinh khác. Việc chia sẻ hình ảnh, video đều do giáo viên quản lý và hoàn toàn chủ động không cho học sinh phát hình ảnh, video không liên quan đến buổi học. Giáo viên cũng có thể mời học sinh ra khỏi buổi học trực tuyến nếu em đó không tuân thủ các nguyên tắc trong buổi học.
Ứng dụng còn có chức năng thay thế phông nền phía sau giáo viên bằng phông nền ảo, được chiếu bằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tính năng này giúp giáo viên có thể giới thiệu, giảng dạy kiến thức một cách trực quan giúp học sinh dễ hiểu bài hơn. Với những buổi học có từ 2 giáo viên trở lên, dù ở cách xa nhau cũng có thể hoàn toàn nằm trong một khung hình của buổi học và có thể tương tác với nhau như đang ở cùng một nơi giúp học sinh tiếp cận kiến thức hiệu quả hơn.
Theo TS Đạt với các sản phẩm học tập hay họp trực tuyến của nước ngoài, tính ổn định của mạng internet là một rào cản ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh, âm thanh khiến chất lượng buổi học bị ảnh hưởng. Do mạng viễn thông của ứng dụng này phụ thuộc vào đường truyền và băng thông quốc tế. Tuy nhiên, với sản phẩm của nhóm, ứng dụng có thể hoạt động ổn định với số lượng 10.000 người tham dự cùng lúc.
"Lý do chúng tôi đặt máy chủ ở Việt Nam và người ở nước ngoài tham gia buổi học sẽ sử dụng máy chủ của chúng tôi ở quốc gia đó. Máy chủ theo mô hình phân tán, phi tập trung giúp sản phẩm có thể hoạt động ổn định khi có hàng nghìn người sử dụng", TS Đạt nói và cho biết, ứng dụng từng có 1.000 người sử dụng cùng lúc trong một sự kiện trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Việc phát triển phần mềm này để chứng minh sản phẩm học tập trực tuyến do người Việt xây dựng không thua kém, thậm chí còn tốt hơn sản phẩm nước ngoài.
Ứng dụng được nhóm nghiên cứu cung cấp cho các doanh nghiệp ở Singapore, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan... từ năm 2014. Sản phẩm phục vụ cho giáo dục tại Việt Nam là phiên bản thế hệ thứ 3, trên cơ sở những thành công đã được cung cấp ở các phiên bản trước đây.
Phần mềm hiện được sử dụng tại Đại học Fulbright Việt Nam, Học viện Hàng không Việt Nam, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Sắp tới, sản phẩm được đưa vào sử dụng miễn phí tại các trường học từ khối THCS đến đại học tại TP HCM.
Ông Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP HCM cho biết, đoàn trường các cấp học có thể đăng ký sử dụng phần mềm miễn phí, các lập trình viên nhóm nghiên cứu sẽ cử người hỗ trợ việc cài đặt và hướng dẫn sử dụng.
"Đây là sản phẩm hữu ích do người Việt làm chủ hoàn toàn công nghệ nên rất cần được nhân rộng trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 đang phức tạp, khiến việc học trực tuyến trở nên cần thiết hơn bao giờ hết", anh Thành nói.
Theo Vnexpress