Trung Quốc trình làng siêu máy tính nhanh nhất thế giới
Ngày đăng: 09/12/2020 09:06
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/12/2020 09:06
Theo Live Science, một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển được một máy tính lượng tử mà họ mô tả là “đầy sức mạnh”, có thể thực hiện một nhiệm vụ nhanh hơn 100 nghìn tỷ lần so với siêu máy tính nhanh nhất thế giới hiện nay.
Ảnh minh họa |
Trước đó, vào năm 2019, Google cũng tuyên bố chế tạo thành công máy tính lượng tử có khả năng vượt trội hơn các siêu máy tính nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết chiếc máy tính có tên gọi là Cửu Chương của họ thậm chí còn nhanh hơn máy tính của Google 10 tỷ lần.
Cụ thể, nếu căn cứ theo cách tính truyền thống tối ưu hiện nay, máy tính này có tốc độ lấy mẫu hạt Boson nhanh hơn siêu máy tính số một thế giới Fugaku lên tới 100.000 tỷ lần, tốc độ tính toán cũng nhanh hơn 10 tỷ lần so với nguyên mẫu máy tính lượng tử Sycamore có tốc độ xử lý 53 qubit (bit lượng tử) của Google. Hay nói cách khác, nhiệm vụ mà máy tính Cửu Chương của Trung Quốc hoàn thành trong một phút thì siêu máy tính phải cần tới 100 triệu năm mới có thể làm xong.
Bài báo mô tả về Cửu Chương và tốc độ tính toán của nó đã được xuất bản trên tại chí Science ngày 3/12.
Theo hãng NDTV, Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh tay vào lĩnh vực điện toán lượng tử của nước này, với việc Chính phủ chi 10 tỷ USD cho Phòng Thí nghiệm quốc gia vầ Khoa học thông tin lượng tử. Trung Quốc hiện cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về mạng lượng tử, nơi dữ liệu được mã hóa bằng cách cơ học lượng tử được truyền qua một khoảng cách rất xa.
Máy tính lượng tử được cho là có thể thay đổi thế giới, từ chuyển đổi ngành y học và mật mã học tới cách mạng hóa ngành thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời được đánh giá là xu hướng của tương lai do được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Những đột phá về loại thiết bị này có thể giúp hỗ trợ y học nghiên cứu kéo dài sự sống, tạo siêu vật liệu mới, thậm chí có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chính phủ và quân đội.
Chính vì những tiềm năng to lớn của máy tính lượng tử mà châu Âu và Mỹ cũng đang tích cực phối hợp nghiên cứu, trong đó, các người khổng lồ công nghệ trên thế giới như Google, Microsoft hay IBM đều tỏ ra cực kỳ quan tâm đến nghiên cứu loại máy tính này.
Trước đó, “danh hiệu” siêu máy tính mạnh nhất thế giới thuộc về máy tính Fugaku của Nhật Bản. Không chỉ “thống trị” về tốc độ xử lý, siêu máy tính Fugaku còn chiếm lĩnh các vị trí hàng đầu trong 3 hạng mục khác liên quan tới ứng dụng trong công nghiệp, ứng dụng AI và phân tích dữ liệu lớn (big data). Fugaku có thể đạt tốc độ 530 petaflop, với một petaflop bằng một triệu tỉ phép tính/giây. Tốc độ này tương đương dân số 7 tỉ người trên toàn cầu chia nhau làm một phép tính/giây liên tục trong 2 năm liền.
Hệ thống siêu máy tính Summit của Mỹ đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng lúc bấy giờ. Đứng thứ 3 tiếp tục là một siêu máy tính khác của Mỹ là Sierra.
Theo Chinhphu.vn