Trung Quốc sản xuất xylanh thủy lực mạnh nhất thế giới
Ngày đăng: 25/10/2024 09:31
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/10/2024 09:31
Cao bằng tòa nhà 10 tầng, xylanh thủy lực mới của Trung Quốc sẽ được sử dụng để xây nền móng cho các dự án kỹ thuật trên biển.
Xylanh thủy lực rời khỏi dây chuyền sản xuất hôm 22/10. |
Trung Quốc sản xuất một xylanh khổng lồ cho tàu đóng cọc lớn tham gia vào những dự án cơ sở hạ tầng trên biển, có lực đẩy tối đa 5.000 tấn, đủ để nâng 1.000 con voi châu Phi trưởng thành cùng lúc. Mẫu xylanh do Trung Quốc phát triển độc lập lần đầu tiên là loại lớn và mạnh nhất thế giới, rời khỏi dây chuyền sản xuất ở Thường Châu, tỉnh Giang Tô, hôm 22/10, theo Interesting Engineering.
Việc phát triển mẫu xylanh sử dụng để xây nền móng cho các dự án kỹ thuật trên biển có nghĩa Trung Quốc đã làm chủ công nghệ cốt lõi để sản xuất xylanh siêu lớn và siêu dài. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, đang theo đuổi chiến lược tăng cường sức mạnh trên biển, tập trung vào sản xuất thiết bị cao cấp và thúc đẩy phát triển công nghệ. Những tàu đóng cọc lớn đóng vai trò thiết yếu trong xây dựng cơ sở hạ tầng để vượt sông hoặc vượt biển và lắp đặt cơ sở điện gió ở biển sâu.
Dài 28 m và có đường kính gần 2m, xylanh thủy lực này cao ngang một tòa nhà 10 tầng. Phát triển bởi công ty Communications Construction của Trung Quốc (CCCC), thiết bị được thiết kế để cung cấp sức mạnh cho tàu đóng cọc dài 150 m đang trong quá trình sản xuất.
Trước đây, các công ty Trung Quốc bị thụt lùi so với nhiều công ty hàng đầu thế giới trong thiết kế và sản xuất xylanh thủy lực lớn. Họ từng phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu bộ phận chủ chốt như vòng đệm kín và vật liệu chống xói mòn.
Tàu đóng cọc trang bị xylanh mới sẽ được sử dụng vào cuối năm nay trong quá trình thi công cầu đường sắt vượt biển vịnh Hằng Châu, công trình sẽ trở thành cầu đường sắt vượt biển tốc độ cao dài nhất thế giới khi hoàn thành. Những ứng dụng trong tương lai của công nghệ bao gồm giàn khoan lớn ngoài khơi và xây dựng cơ sở điện gió. Đây là kết quả hợp tác giữa vài công ty trong lĩnh vực vật liệu mới và sản xuất thông minh.
Hồi tháng 7, một liên minh về kỹ thuật hàng hải được thành lập ở Bắc Kinh. Trọng tâm chính của họ là xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng giao thông hàng hải, xây dựng cơ sở điện gió và điện mặt trời, bảo vệ và tái tạo vùng ven biển, xây dựng rạn đá ở đảo và bảo vệ hệ sinh thái, lắp đặt đường ống dưới biển sâu.
Vnexpress