Trung Quốc ra mắt lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư đầu tiên trên thế giới
Ngày đăng: 05/01/2024 08:53
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/01/2024 08:53
Trung Quốc vừa cho biết lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư đầu tiên trên thế giới của họ bắt đầu hoạt động thương mại, đánh dấu sự chuyển đổi từ giai đoạn thử nghiệm sang thị trường thương mại của lò phản ứng thế hệ thứ tư trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Được đặt tại nhà máy Shidaowan ở tỉnh Sơn Đông, phía Đông Trung Quốc, lò phản ứng Shidaowan HTGR có thể tạo ra nhiệt, điện và hydro. Nó là một phần trong nỗ lực toàn cầu hướng tới các hoạt động hạt nhân an toàn hơn, bền vững hơn và hiệu quả hơn của Trung Quốc.
Lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư đầu tiên trên thế giới (HTGR Shidaowan) được làm mát bằng khí heli, mang đến một phương pháp đầy hứa hẹn để phát triển thêm nhiều nhà máy hạt nhân trong đất liền |
Theo hãng tin Reuters, thương mại hóa các công nghệ mới được xem là cách hiệu quả nhất để phát triển chúng. Với thành tựu mới này, Trung Quốc đã vượt qua cả phương Tây và Nga trong cuộc đua phát triển công nghệ điện hạt nhân.
Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) đã công bố trên trang web chính thức rằng lò phản ứng này sử dụng một mô hình làm mát bằng khí ở nhiệt độ cao được phát triển hoàn toàn bởi Trung Quốc và được coi là an toàn và hiệu quả nhất trong thế hệ IV (+). CNNC cho biết, sự an toàn của lò thế hệ mới rất cao, vì "lõi sẽ không tan chảy" trong trường hợp lò phản ứng ngừng hoạt động đột ngột hoặc có sự xáo trộn bên ngoài. Có tới 93,4% nguyên liệu được sử dụng trong lò phản ứng có nguồn gốc trong nước.
Các đánh giá đã xác nhận rằng lò phản ứng này có thể được lắp đặt và quy mô công nghiệp mà không cần hệ thống làm mát lõi khẩn cấp, đồng thời giúp hồi sinh năng lượng hạt nhân một cách an toàn từ sự nghi ngờ và tiêu cực về điện hạt nhân. Trong khi nhiều quốc gia phương Tây chỉ dự kiến khởi động lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư vào đầu những năm 2030, Trung Quốc đã tiến xa hơn, thể hiện cam kết của họ đối với sự phát triển bền vững và sử dụng năng lượng sạch.
Bên trong lò phản ứng hạt nhân HTGR Shidaowan bắt đầu được xây dựng năm 2012 |
Ngoài ra, các nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ tư khác của Trung Quốc có thể sẽ sớm đi vào hoạt động. Tại tỉnh Phúc Kiến phía Đông - Nam Trung Quốc, dự án thí điểm lò phản ứng nhanh làm mát bằng natri Xiapu do CNNC quản lý cũng đang được xây dựng và dự kiến sẽ được kết nối với lưới điện vào năm 2025. Không giống như lò phan rứng Shidaowan HTGR, các lò phản ứng nhanh làm mát bằng natri có thể tái chế uranium đã cạn kiệt, cho phép tái sử dụng nhiên liệu một lần nữa. Có những lò phản ứng làm mát bằng natri khác đang hoạt động trên thế giới, nhưng chúng là thế hệ thứ ba. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các dự án lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư khác đang được nghiên cứu và thiết kế ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada, nhưng vẫn chưa bắt đầu xây dựng.
Theo Diễn đàn quốc tế thế hệ IV (The Generation IV International Forum GIF), các lò phản ứng thế hệ thứ tư dự định hoạt động ở nhiệt độ cao hơn hầu hết các lò phản ứng trên thế giới hiện nay, điều này cho phép chúng tạo ra cả điện và hydro. GIF là một khuôn khổ hợp tác quốc tế của các quốc gia hạt nhân lớn, các lò phản ứng thế hệ thứ tư nhằm mục đích hạn chế tác động môi trường, gánh nặng chất thải hạt nhân, nguy cơ hạt nhân, do Bộ Năng lượng Hoa Kỳ khởi xướng vào năm 2000, quy tụ 13 quốc gia hạt nhân trong đó có Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản và Nga và Liên minh Châu Âu. GIF đã xác định sáu loại công nghệ hạt nhân đại diện cho thế hệ thứ tư và hầu hết các quốc gia trong khuôn khổ đều cam kết sản xuất ít nhất một loại.
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, tính đến nay, năng lượng hạt nhân vẫn chỉ chiếm 5% sản lượng năng lượng của Trung Quốc do nước này tiếp tục phụ thuộc vào than đá. Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất 10% điện năng thông qua năng lượng hạt nhân vào năm 2030, như một phần của nỗ lực thúc đẩy năng lượng xanh. Nhưng họ đã bỏ lỡ mục tiêu năm 2020 là sản xuất 58 gigawatt bằng lò phản ứng hạt nhân (thực tế sản xuất được 53 gigawatt). Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, nước này đang xây dựng 22 lò phản ứng hạt nhân mới, nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Trung Quốc đã và đang có những nỗ lực đáng kể trong việc phát triển và mở rộng ngành công nghiệp điện hạt nhân. Họ đang tiếp tục đầu tư và phát triển các dự án điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, đó là một phần quan trọng của chiến lược năng lượng và bảo vệ môi trường của quốc gia này. Khi nhiều quốc gia bắt đầu nhận ra việc sản xuất điện hạt nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách cung cấp thêm nguồn năng lượng sạch, cuộc đua đã bắt đầu nhằm phát triển thế hệ công nghệ hạt nhân dân sự mới nhất, và Trung Quốc đã giành được lợi thế trong cuộc đua này.
Vista.gov.vn