Trung Quốc cấp bằng sáng chế cho vaccine COVID-19
Ngày đăng: 19/08/2020 08:42
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 19/08/2020 08:42
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ quốc gia cho biết Tập đoàn sinh học CanSino- chuyên điều chế vaccine của Trung Quốc- đã nhận được bằng sáng chế điều chế vaccine COVID-19, với tên gọi Ad5-nCOV.
Ảnh minh họa |
Tờ Nhân dân nhật báo đưa tin ngày 16/8 rằng đây là lần đầu tiên bằng sáng chế vaccine COVID-19 được Trung Quốc cấp phép. Theo tờ báo này, bằng sáng chế được cấp phép ngày 11/8.
Động thái diễn ra trong bối cảnh Nga vừa cấp phép cho vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới.
Trong thông cáo gửi tới Hoàn cầu Thời báo, CanSino nhấn mạnh việc vaccine do họ phát triển được cấp bằng sáng chế đã khẳng định thêm tính hiệu quả và an toàn của Ad5-nCoV. Đây là một trong 5 loại vaccine do Trung Quốc phát triển.
CanSino cho biết đã nộp bằng sáng chế từ ngày 18/3, chỉ 3 ngày sau khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Hiện Ad5-nCoV đang trải qua giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng.
CanSino khẳng định việc thử nghiệm giai đoạn cuối ở nước ngoài đang tiến triển thuận lợi. Hiện loại vaccine này đang được thử nghiệm tại Mexico, Saudi Arabia với vài ngàn người tham gia.
Sau động thái trên, cổ phiếu tại Hong Kong của công ty CanSino đã tăng khoảng 14% trong phiên giao dịch ngày 17/8.
Phát hiện biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn
Trong một diễn biến liên quan, ngày 16/8, giới chức y tế Malaysia thông báo đã phát hiện một biến chủng mới của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh gấp 10 lần so với chủng virus phát hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc.)
Bộ trưởng Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho biết, biến chủng D614G của SARS-CoV-2 do Viện Nghiên cứu Y học Malaysia phát hiện trong 4 ca bệnh tại 2 ổ dịch COVID-19 trong nước. So với những biến chủng khác, D614G nhân bản nhanh hơn trong hệ thống hô hấp, đồng thời có khả năng lây nhiễm từ người sang người cao hơn.
Quan chức này nhấn mạnh, biến chủng này có khả năng lây nhiễm gấp 10 lần và có thể lây lan thông qua một trường hợp 'siêu lây nhiễm’.
Theo Bộ trưởng Noor Hisham Abdullah, biến chủng D614G xuất hiện trong các thử nghiệm ban đầu và các nhà khoa học sẽ tiếp tục tìm hiểu những ca bệnh khác trong 2 ổ dịch nói trên. Ông Hisham nhận định, biến chủng D614G có thể là một rào cản lớn đối với tiến trình nghiên cứu vaccine hiện nay.
Phát hiện SARS-CoV-2 trong da người
Các bác sỹ tại Bệnh viện Đại học Basel của Thụy Sĩ đã xác nhận một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 từ một mẫu da người, bất chấp việc xét nghiệm lấy mẫu dịch từ đường hô hấp của người này cho kết quả âm tính.
Vụ việc liên quan đến một cụ bà 81 tuổi, người đã được làm xét nghiệm SARS-CoV-2 vì có triệu chứng như sốt. Tuy nhiên, các xét nghiệm bao gồm lấy dịch từ mũi, hầu họng và xét nghiệm kháng thể được thực hiện 6 tuần sau đó đều cho kết quả âm tính.
Khi bệnh nhân đến bệnh viện, bà còn bị các triệu chứng như nổi mẩn đỏ trên da. Một nhóm bác sỹ da liễu tại Bệnh viện Đại học Basel đã xét nghiệm mẫu da để tìm SARS-CoV-2 và đã cho kết quả dương tính.
Các phát hiện trên được công bố trên tạp chí khoa học Lancet đặt ra một loạt câu hỏi về những thiếu sót tiềm ẩn trong xét nghiệm sử dụng tăm bông lấy dịch trong mũi hiện nay. Theo họ, xét nghiệm mẫu sinh thiết da có thể được sử dụng như một công cụ chẩn đoán bổ sung.
Nghiên cứu cũng góp phần vào giả thuyết rằng một số bệnh nhân mắc COVID-19 có thể không thiết lập khả năng miễn dịch.
Theo Chinhphu.vn